Gia tăng tỷ lệ phơi nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ đồng giới
Trong hơn 10 năm trở lại đây, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng từ 2,3% lên 13,3% và đang có xu hướng sẽ tăng trong những năm tiếp theo.
Gia tăng ca nhiễm
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trước đây, lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, HIV lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm MSM đang có xu hướng tăng mạnh. Năm 2014, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong nhóm MSM là 6,7%, đến năm 2017 tăng lên 12,2% và đến năm 2020 là 13,3%. Trong nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam, có từ 8 đến 11% số người được khảo sát cho biết từng quan hệ tình dục tập thể, 52-76% dùng bao cao su, còn lại quan hệ tình dục không an toàn. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tập trung nhiều ở khu vực đô thị, tỉnh, thành phố lớn. Ở một số địa phương, người nhiễm HIV mới được phát hiện có tới hơn 50% là nhóm MSM.
Uống Methadone tại cơ sở thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Hiện nay, cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV còn sống. Năm 2021, cả nước có hơn 11.000 trường hợp phát hiện mới nhiễm HIV, hơn 1.520 ca tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84% là nam, phần lớn trong nhóm tuổi 16-29 và 30-39, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn. Hiện nay, chưa có vắc xin ngừa HIV/AIDS. Tại Việt Nam đã có các loại thuốc điều trị và dự phòng với hơn 161.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Thuốc đang được bảo hiểm y tế chi trả, với 188 cơ sở điều trị cung cấp. Thuốc ARV khống chế lượng vi rút trong máu người nhiễm giảm ở mức thấp, giúp người bệnh khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ, giảm lây truyền HIV. Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, tỷ lệ người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) HIV tăng, cả nước có 18.000 người đang sử dụng dịch vụ này. PrEP giúp những người chưa bị nhiễm HIV, nhưng có nguy cơ cao dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày. Nếu tuân thủ tốt liệu trình dự phòng, người sử dụng thuốc có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đến hơn 90% và qua tiêm chích ma túy đến 70%.
Triển khai nhiều giải pháp
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống hơn 1.350 người. Trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ hơn 84%, còn lại là nữ giới. Điều đáng lo ngại là nhóm 20-29 tuổi nhiễm HIV chiếm tỷ lệ hơn 56%, nhóm 13-19 tuổi chiếm 3,5%; nhóm MSM chiếm cao nhất với gần 50%. Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định, hình thái lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh vẫn là các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM; đường lây truyền chủ yếu là đường tình dục. Bên cạnh đó, nguy cơ làm gia tăng ca nhiễm HIV còn tiềm ẩn, phức tạp do tình trạng nghiện ma túy gia tăng, trong khi các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Cùng với cả nước, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khách hàng có nguy cơ cao tìm hiểu và sử dụng PrEP. Nhóm khách hàng sử dụng PrEP khá đa dạng, trong đó tới 80% là MSM. Phương pháp điều trị này có kết quả rất khả quan về khả năng dự phòng. Vì thế, trong thời gian tới, chương trình điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh sẽ được đẩy mạnh hơn nhằm góp phần hạn chế thấp nhất số ca nhiễm trong nhóm đối tượng MSM”, bác sĩ Toàn chia sẻ.
Bên cạnh giải pháp PrEP, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch đã triển khai, tiến tới khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,3% dân số và nỗ lực giảm số người nhiễm HIV mới. Đó là, duy trì và đảm bảo chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho hơn 50.000 bệnh nhân. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu 95-95-95 (95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người biết tình trạng HIV của mình đang được điều trị; 95% trong số những người đang được điều trị có tải lượng HIV được ức chế và giảm khả năng lây truyền vi rút HIV cho người khác) vào năm 2025…
C.ĐAN