Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên hệ thống phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sau 3 năm triển khai đã giúp nâng tầm nông sản Việt và quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, HTX. Chương trình này cũng tạo động lực để các địa phương đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất trên hầu hết diện tích đất nông nghiệp tại các tỉnh.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận được sự hưởng ứng cao của các chủ thể, đến nay thành phố Nha Trang đã có 14 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đat từ 3 sao (gồm 13 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy hiện hồ sơ tham gia đánh giá OCOP rất dày, dài, yêu cầu rất nhiều giấy tờ chứng chỉ, quy trình sản xuất khác nhau gây áp lực cho cá cơ quan chức năng và các chủ thể. Còn đối với các cơ quan nhà nước, để đầy đủ 1 bộ hồ sơ, tỉnh phải tổ chức họp hội đồng đánh giá với sự tham gia của rất nhiều thành viên. Đi kèm với đó là kinh phí chuẩn bị, sao chụp tài liệu cũng rất lớn.
Trước những khó khăn trên, ứng dụng chuyển đổi số trong phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP là điều vô cùng cần thiết và phù hợp. Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã kết hợp với các đơn vị tiến hành phổ biến cho các địa phương, các chủ thể sử dụng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Ngày 02/12/2022, được sự ủy quyền của lãnh đạo UBND thành phố Nha Trang, Phòng Kinh tế tổ chức lớp Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Nha Trang năm 2022 trên hệ thống phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại địa chỉ http://sohoaocop.vn/login cho 09 sản phẩm thuộc 02 chủ thể tham gia trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Minh Tân- Trưởng Phòng Kinh tế phát biểu khai mạc Hội nghị
Trong phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, các chủ thể chỉ cần đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ sản phẩm online theo hướng dẫn. Các sản phẩm tham gia OCOP được các cơ quan chức năng đánh giá, chấm điểm theo 3 nhóm tiêu chí chính, gồm: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị, các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm. Kết quả chấm điểm sản phẩm OCOP sẽ là cơ sở để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố tiến hành chứng nhận, cấp sao cho sản phẩm.
Đặc biệt, với phần mềm này, các chủ thể, quản lý cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương đều có thể truy cập và có thể nắm rõ lịch trình thực hiện của các chủ thể nên rất thuận lợi cho công tác quản lý.
Các thành viên Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đang thực hiện đánh giá trên phần mềm.
Hướng đến xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đây cũng là phương thức đẩy mạnh phát triển các hình thức thương mại sản phẩm OCOP; trong đó có thương mại điện tử.