Hướng tới phát triển du lịch MICE
Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event – du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện). Các doanh nghiệp lữ hành đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn khách du lịch MICE để đa dạng hóa nguồn khách hướng đến sự phục hồi du lịch bền vững hơn.
Thuận lợi để phát triển du lịch MICE
Mới đây, Công ty TNHH HTS International (HTS International Travel) đã tổ chức đoàn khách MICE 300 người cho Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đi nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm ở khu resort Movenpick Cam Ranh (Bãi Dài, Cam Lâm). Đoàn khách đã rất hài lòng khi được lưu trú trong khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, tham gia chương trình team building với nhiều trò chơi mới lạ có tính tương tác và kết nối cao; đi tour tham quan các di tích, danh thắng nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang. Ông Phan Đình Thảo – Tổng Giám đốc Công ty HTS International Travel cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã kết nối, phục vụ nhiều đoàn khách MICE đến Khánh Hòa (đoàn đông nhất khoảng 500 khách). Cùng với HTS International Travel, các đơn vị lữ hành như: Vietravel, Saigontourist, Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú… cũng đưa nhiều đoàn khách MICE đến Khánh Hòa trong thời gian gần đây.
Khách du lịch MICE chơi team building ở bãi biển Nha Trang. Ảnh: Thương Võ
Cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa được xem là một trong những điểm có nhiều tiềm năng, thế mạnh để đón khách du lịch MICE. “Sân bay quốc tế Cam Ranh có nhiều đường bay trong nước và quốc tế nên rất thuận lợi cho việc di chuyển của các đoàn khách. Đặc biệt, Khánh Hòa có cơ sở hạ tầng du lịch rất tốt với hơn 1.000 cơ sở lưu trú với hơn 52.000 phòng, trong đó có hơn 30.000 phòng chất lượng 3-5 sao; bên cạnh đó còn có hệ thống nhà hàng rất đa dạng, nhiều nhà hàng lớn như Champa Island, Âu Lạc Thịnh, Khải Hoàn Viên… để phục vụ cho các đoàn khách MICE. Bãi biển đẹp và dài rất phù hợp để tổ chức team building. Các dịch vụ để phục vụ các chương trình khách MICE như ban nhạc, vũ đoàn luôn có sẵn và khá chuyên nghiệp. Thành phố Nha Trang cũng có nhiều điểm tham quan để tổ chức các city tour cho các đoàn khách”, ông Trần Minh Đức – Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa cho biết.
Cần chính sách đồng bộ
Bên cạnh những thuận lợi nói trên, việc phát triển du lịch MICE ở Khánh Hòa cũng có những khó khăn nhất định. Việc UBND thành phố Nha Trang cấm xe khách trên 29 chỗ vào thành phố trong các khung giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ; chiều từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30) đã gây khó khăn phần nào cho hoạt động du lịch nói chung cũng như du lịch MICE nói riêng. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp lữ hành đã phải tìm cách “thích ứng” như thay đổi thời gian tổ chức team buiding; tư vấn cho khách để các đoàn khách lưu trú ở các khách sạn, resort ở khu Bãi Dài, Cam Lâm thay vì lưu trú ở Nha Trang. “Khách ở Bãi Dài sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển từ sân bay về cơ sở lưu trú. Các bãi biển ở đây cũng rất bằng phẳng thuận lợi cho việc tổ chức team building. Khi đi tour tham quan thành phố Nha Trang hay tắm bùn, chúng tôi luôn né các khung giờ cao điểm, tính toán để các đoàn khách đi vào trung tâm TP. Nha Trang sau 8 giờ sáng và đưa khách đến khách sạn/nhà hàng để dự tiệc tối trước 16 giờ 30”, ông Phan Đình Thảo chia sẻ.
Dù đã có những dấu hiệu khá tốt, tuy nhiên số lượng các đoàn khách MICE đến Khánh Hòa vẫn chưa thể bằng với giai đoạn trước dịch Covid-19. Chính vì vậy, ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực để có thể thu hút khách MICE quay trở lại. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thu hút khách MICE là một trong những định hướng của du lịch Nha Trang – Khánh Hòa. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tăng cường quảng bá, kết nối để thu hút khách MICE đến với Khánh Hòa. Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đang xây dựng kế hoạch tổ chức liên hoan các hội ngành nghề, khu công nghiệp tại Khánh Hòa để giới thiệu các sản phẩm du lịch MICE cho các doanh nghiệp. Về lâu dài, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, để thu hút khách MICE cần phải quảng bá điểm đến bằng những sự kiện tầm cỡ, có sức hút trên diện rộng; làm mới mình bằng việc xây dựng những điểm đến mới, sản phẩm mới để tăng sức hút; các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và khu/điểm du lịch có sự liên kết chặt chẽ để tạo ra các tour du lịch MICE có giá ưu đãi để tăng sức cạnh tranh với các điểm đến khác…
Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều di sản văn hóa, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hệ thống khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế, cùng với tình hình chính trị ổn định, sự hiếu khách của người dân, điểm đến an toàn sau đại dịch Covid-19… là những lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển du lịch MICE. Hầu hết địa phương trong nước đều có những lợi thế này. Những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp giành được những giải thưởng uy tín về du lịch quốc tế, trong đó năm 2021, đạt danh hiệu: Ðiểm đến du lịch MICE tốt nhất châu Á 2021. Tại diễn đàn du lịch cấp cao với chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”, do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức tháng 9-2022, Bộ trưởng Bộ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025”. |
XUÂN THÀNH