Review Nha Trang

Tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu

Từ tình hình dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang, đã ghi nhận 1 ca tử vong, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu trong cộng đồng.

Cả nước đã ghi nhận một số trường hợp 

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nhờ đó, những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng. Năm 1983, số ca mắc cả nước ghi nhận gần 3.500 trường hợp/năm; từ năm 2004 đến 2019, số ca mắc giảm xuống còn từ 10 đến 50 trường hợp/năm.

Người dân đưa trẻ đến tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang.
Người dân đưa trẻ đến tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang.

Tuy nhiên, đến năm 2020, số ca mắc bệnh bạch hầu gia tăng, ghi nhận 226 trường hợp, chủ yếu tại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Năm 2021, số ca mắc giảm còn 6 trường hợp và năm 2022 chỉ có 2 trường hợp. Đến năm 2023, số ca mắc tăng lên với 57 trường hợp, ghi nhận tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên; số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm (55 trường hợp), trong đó có 7 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh); tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong (tháng 6); tỉnh Bắc Giang ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh (tháng 7) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong ở tỉnh Nghệ An.

Đánh giá về nguy cơ lây lan dịch bệnh bạch hầu ra cộng đồng hiện nay, nhiều chuyên gia khẳng định là không lớn, các ca bệnh phát hiện chỉ lẻ tẻ. Trong dịch tễ, bệnh bạch hầu có tỷ lệ lây lan thấp, 1 người chỉ có thể lây cho 4 đến 5 người. Cùng với đó, chương trình tiêm chủng mở rộng đã đem lại nhiều hiệu quả phòng các bệnh dịch thông thường, hầu hết trẻ em hiện nay đều đã được tiêm phòng vắc xin bạch hầu khi còn nhỏ, chỉ những trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ theo lịch tiêm chủng thì mới có khả năng mắc bệnh. Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, độ bao phủ tiêm chủng thấp, dẫn tới lỗ hổng miễn dịch, do đó bệnh còn lưu hành và khó có thể dập tắt.

Bác sĩ Huỳnh Trọng Tân – Trưởng phòng Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tại Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng, tất cả trẻ em khi được 2 tháng tuổi đều được tiêm phòng vắc xin bạch hầu ở dạng phối hợp với các vắc xin khác (ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib) với 3 mũi cơ bản. Các mũi cách nhau ít nhất 1 tháng và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18 – 24 tháng tuổi. Tại Khánh Hòa, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm vắc xin bạch hầu đạt khá cao. 6 tháng đầu năm 2024, số trẻ trong độ tuổi được tiêm đạt 42%.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất

Theo bác sĩ Huỳnh Trọng Tân, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố Corynebacterium diphtheriae. Sau thời gian ủ bệnh 2 – 5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng đau họng, ho; một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt (giống như viêm họng). Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục, một số bệnh nhân có tiến triển nặng. Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp, gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp; hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở. Biến chứng nguy hiểm hơn có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp, nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong. Ngoài ra, có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…

Vì vậy, theo lời khuyên của bác sĩ Tân, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. Trẻ em cần phải tiêm đầy đủ vắc xin, đúng lịch để có miễn dịch cộng đồng. “Đối với người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng có thể tiêm vắc xin có chứa thành phần bạch hầu (vắc xin uốn ván – bạch hầu hấp phụ Td) theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất”, bác sĩ Tân cho biết.

Đứng trước tình hình dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang, ngày 10-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu. Nội dung truyền thông nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của bệnh, đường lây, dấu hiệu phát hiện bệnh sớm và cách phòng; cung cấp thông tin về tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, địa điểm tiêm, lịch tiêm thường xuyên và tiêm nhắc lại, đối tượng tiêm chủng. Đồng thời, vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi tiêm… Bên cạnh các kênh truyền thông đại chúng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các cơ sở y tế tăng cường truyền thông qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook…

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam hiện nay là 0,14/100.000 dân; tỷ lệ tử vong do mắc bạch hầu ở Việt Nam là 2,6%; tỷ lệ biến chứng 4,2%. Có 21,6% ca bệnh có tiền sử rõ ràng tiếp xúc với trường hợp bạch hầu dương tính. Hiệu quả bảo vệ khi tiêm đủ vắc xin bạch hầu là 97%; 3% đã được tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể mắc bệnh.

C.ĐAN

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »