Review Nha Trang

Vĩnh biệt một nhân cách lớn của dân tộc

 Vĩnh biệt một nhân cách lớn của dân tộc

Dù biết sinh lão bệnh tử là quy luật, dù biết thời gian của tạo hóa là vô hạn còn thời gian của mỗi người thì luôn hữu hạn, vậy mà nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, hàng chục triệu trái tim của người Việt Nam như thắt lại, đau buồn và tiếc thương vô hạn. Trái tim của “người đốt lò đặc biệt” đã ngừng đập nhưng những gì ông đã làm và để lại cho đất nước, cho nhân dân là rất vĩ đại. Ông là con người của nhân dân, con người của lịch sử, là người cộng sản trung kiên, đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam lên một tầm cao mới…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi cuộc sống nhân dân xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi cuộc sống nhân dân xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.

Mấy tháng trước, có nhiều thông tin về sức khỏe của Tổng Bí thư. Nhiều người quan tâm, hỏi thăm nhau, ai cũng cầu mong ông luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn, tiếp tục công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Lần này, nghe tin ông mất, nhiều người bàng hoàng không tin, chỉ mong là như những lần trước, ông chỉ vào bệnh viện khám rồi về… Vậy mà, đó lại là sự thật. Một ngày quá đau buồn với dân tộc Việt Nam. Một mất mát, một sự tổn thất quá lớn, một sự tiếc thương vô hạn không gì diễn tả được với một vị lãnh tụ kiệt xuất nhưng rất giản dị, sâu sắc, quyết liệt, luôn vì nước vì dân.

Nhớ lại năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm, làm việc tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Ngày 4-5-2016, Tổng Bí thư làm việc tại Khánh Hòa, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Hôm đó, Tổng Bí thư thân mật bắt tay từng người, thăm hỏi tình hình và lắng nghe chăm chú báo cáo của lãnh đạo tỉnh. Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến các kiến nghị, đề xuất của tỉnh trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị. Tổng Bí thư lưu ý, mặc dù Khánh Hòa đạt tốc độ phát triển khá nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Do đó, Khánh Hòa cần tìm mọi cách khai thác, phát huy cho được các tiềm năng, lợi thế, quy hoạch phát triển toàn diện, tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ, công nghiệp, kinh tế đồi rừng, kinh tế biển kết hợp với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo… Tổng Bí thư cho rằng, cần sắp xếp, ưu tiên việc gì làm trước, việc gì làm sau. Cùng với nguồn lực Nhà nước, Khánh Hòa cần coi trọng và huy động các nguồn lực trong xã hội, các thành phần kinh tế, trong nước và nước ngoài, để tập trung cho đầu tư phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng kẹo cho các cháu tại Trường mẫu giáo Trường Sa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng kẹo cho các cháu tại Trường Mẫu giáo Trường Sa.

Những chỉ đạo ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được lãnh đạo tỉnh tiếp thu và hiện thực hóa bằng những hành động quyết liệt, cụ thể. 6 năm sau, ngày 28-1-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây thực sự là món quà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Khánh Hòa, nhất là việc định vị tỉnh trong tương quan so sánh với vùng và cả nước, mở ra cơ hội phát triển mới cho tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn tới; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đối với tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và bảo đảm quốc phòng – an ninh. Cao hơn hết đó là sự tin tưởng, mong muốn và kỳ vọng của Tổng Bí thư đối với tỉnh Khánh Hòa – vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế. Cũng tại buổi làm việc hôm ấy, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, Khánh Hòa không nên chạy theo chiều rộng, dàn trải, mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Để phát triển du lịch, Khánh Hòa cần quan tâm xây dựng môi trường thân thiện, xây dựng con người văn minh, duyên dáng, lịch thiệp, có nét văn hóa riêng, bản sắc riêng. Đồng thời, muốn phát triển du lịch thì phải ổn định, vì vậy Khánh Hòa cần giữ vững môi trường hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan tâm chăm lo phát triển kinh tế biển… Tuy không có nhiều lần quay trở lại Khánh Hòa, nhưng Tổng Bí thư vẫn luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm cho Khánh Hòa. Tình cảm và sự kỳ vọng của Tổng Bí thư chính là động lực để toàn quân, toàn dân Khánh Hòa trong nhiều năm qua đã nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn để đưa Nghị quyết số 09 đi vào cuộc sống bằng nhiều hành động thực tiễn, phát triển kinh tế – xã hội vượt bậc, với mục tiêu sẽ đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Có thể thấy, trong bất cứ cuộc làm việc nào, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn ray rứt, trăn trở và quyết tâm làm bằng được, đó là chỉnh đốn Đảng mà cụ thể là phòng, chống tham nhũng, suy thoái biến chất của đảng viên, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Là người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư đã từng bước đưa công cuộc phòng, chống tham nhũng trở thành phong trào với câu nói nổi tiếng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho gia đình chính sách xã Diên Điền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho gia đình chính sách xã Diên Điền.

Đọc lại các bài viết của Tổng Bí thư mới thấy sự nhức nhối trong ông, một người luôn toát lên ý chí đấu tranh chống hư hỏng, thoái hóa, biến chất và tấm lòng trọng nghĩa tình, nhân ái của người đảng viên. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 15-10- 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghẹn ngào lúc đọc bài phát biểu bế mạc, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về một số khuyết điểm lớn cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước. Ông ray rứt vì vẫn còn đó tình trạng một số nơi, một số thời điểm niềm tin của nhân dân với Đảng bị giảm sút; ray rứt vì tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp; ray rứt vì nhiều vụ án lớn thời điểm đó gây tổn thất lớn, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế… Và rồi chính ông là người đã nói đi đôi với làm, đã đưa công cuộc phòng, chống tham nhũng lên một tầm cao mới với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, làm một cách rất bài bản, thuyết phục”.

Thực tế cho thấy, thông qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì Đảng mạnh hơn, kỷ luật kỷ cương được tăng cường, lòng tin của người dân vào Đảng, chế độ được nâng lên. Nhắc đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Nhìn nhận việc xử lý kỷ luật cán bộ là bài học đắt giá, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi động viên chiến sĩ trên tàu Lý Thái Tổ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên chiến sĩ trên tàu Lý Thái Tổ.

Và hơn ai hết, Tổng Bí thư chính là hình mẫu của lối sống giản dị, khiêm nhường. Ông trải lòng: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhắn nhủ: “Tự điều chỉnh mình”, “phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức… bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực”. Theo ông, đó chính là “cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương như thế. Ông đã “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” bằng sự gương mẫu của bản thân và gia đình, bằng sự quyết liệt, nói đi đôi với làm trong điều hành, là người cầm lái vững vàng, đặt quyết tâm chính trị cao nhất cho cuộc chiến sinh tử để bảo vệ chế độ, giữ vững niềm tin trong nhân dân.

Giờ thì trái tim của “người đốt lò vĩ đại” đã ngừng đập. Nhưng những gì ông đã làm, đã cống hiến, lịch sử sẽ muôn đời ghi nhớ. Xin vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một người con của nhân dân, một nhân cách lớn, một lãnh tụ kiệt xuất, luôn vì Đảng, vì nước, vì dân…

LỆ HẰNG

Nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »