Chăm sóc người bệnh tâm thần
Hàng ngày, cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh Khánh Hòa (gọi tắt là trung tâm) sống chung với người tâm thần, chăm sóc cho họ từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân… với mong muốn bệnh nhân sớm phục hồi, về với gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, trung tâm gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhân lực nghiêm trọng, áp lực công việc lớn, trong khi chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên còn thấp.
Công việc vất vả, căng thẳng.
5 giờ sáng, bà Lương Thị Thanh Liêm chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà và phần cơm trưa cho mình rồi tới trung tâm ở xã Diên Phước (huyện Diên Khánh). Nhận ca xong, bà bắt đầu dọn vệ sinh 17 phòng, trong đó 5 phòng có người bị liệt. “Nhiều lần vừa dọn sạch xong, họ lại tiểu tại chỗ, phải dọn lại. Người bệnh nặng dùng tã giấy nhưng họ đều tháo quăng đi, thậm chí còn lột bỏ quần áo” – bà Liêm nói rồi hối hả sang khu giặt. Việc giặt đồ có máy hỗ trợ, nhưng phơi, xếp chừng 200-250 bộ/ngày vẫn tốn nhiều thời gian. Sau đó, bà và đồng nghiệp lại lo đút ăn cho người bị liệt, rồi trông coi người khỏe ăn. Bữa trưa suôn sẻ mất chừng 1 giờ, nhưng đôi khi rất lâu nếu người tâm thần kích động, phản ứng, hoặc khó nuốt. Xong bữa bà lại vệ sinh, đưa người tâm thần đi nghỉ rồi mới ăn cơm; sau đó tiếp tục dọn vệ sinh, dẫn họ đi trị liệu, cho ăn chiều… Ca tối lại ẵm người bị liệt đi tắm rửa; trông coi khi xem ti vi, phát thuốc uống, đêm đi kiểm tra hàng chục lần…
Người bị liệt được các nhân viên đút ăn từng bữa.
Nhưng nguy hiểm nhất là khi người tâm thần lên cơn. “Họ vừa hiền là thế nhưng vài giây sau đã la hét, đánh người. Có người nhấc cả bồn cầu ném, hoặc lật úp giường, bẻ cong thanh inox, nhiều thanh niên không giữ được. Nhân viên lại không có thiết bị bảo vệ và chỉ được né tránh”, bà Liêm kể. Ông Lê Văn Để – Trưởng phòng Y tế xác nhận: “Đối tượng có những cơn xung động báo trước hoặc bất thường, ảo giác, ảo thanh, ảo thị…, nhân viên có kinh nghiệm đôi lúc vẫn khó tránh. Vừa rồi, tôi suýt gãy tay vì bị người tâm thần bất ngờ tấn công”.
Bà Nguyễn Vũ Minh Thư – Giám đốc trung tâm cho biết, đơn vị có 29 cán bộ, nhân viên chăm sóc 148 đối tượng. Theo Thông tư 33, ngày 29-12-2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhóm vị trí chăm sóc, trợ giúp định mức 90 người nhưng trung tâm mới có 15 người. Vị trí phục hồi chức năng thiếu toàn bộ 10 người; hướng nghiệp dạy nghề thiếu 6 người. Vị trí chăm sóc trực tiếp cần 62 người thì đơn vị mới có 9 người. Vị trí bảo vệ định mức 6 người, trung tâm có 2 người. Sắp tới, trung tâm sẽ tiếp nhận thêm đối tượng bảo vệ khẩn cấp thì tình trạng thiếu nhân lực sẽ càng căng thẳng.
Phát thuốc cho người bệnh.
Ông Nguyễn Thành Sơn – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, thời gian qua, trung tâm đã có nhiều thành tích, cách làm hiệu quả trong chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe người tâm thần, giúp một số người phục hồi, về với gia đình. Phần lớn cán bộ, nhân viên trung tâm có nhiều năm công tác, gắn bó, nhiệt tình với công việc. Nhưng số đối tượng cần chăm sóc ngày một tăng, trong khi cán bộ, nhân viên thiếu, thu nhập thấp, đa số ở xa trung tâm… Đơn vị đã nhiều lần tuyển nhân viên, nhưng không tuyển được vì công việc nhiều áp lực; có người vào làm vài ngày đã nghỉ. Sở đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thuê 5 người theo chăm sóc người tâm thần khi đi điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn chưa đảm bảo.
Người tâm thần được dạy kỹ năng chơi thể thao.
Mong được hỗ trợ
Công việc vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng thu nhập nhân viên trung tâm lại chưa tương xứng. Bà Liêm đã làm 15 năm, nhưng hiện nay, tổng thu nhập chỉ 7,3 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu duy nhất của cả nhà bởi chồng bà bị mất việc sau đợt dịch Covid-19. Do nhà cách trung tâm 20km nên lúc giá xăng tăng cao, bà phải chi 1 triệu đồng/tháng tiền xăng. Còn bà Nguyễn Thị Thanh làm 5 năm, thu nhập 5,6 triệu đồng/tháng. Chồng bà công tác trong quân đội, 2 con đều do bà lo đưa đón đi học. Đêm nào trực, bà phải nhờ hàng xóm hoặc đồng nghiệp xuống ca đón con giùm..
Chỉ bản kê thu nhập, bà Nguyễn Vũ Minh Thư cho biết, thu nhập bình quân ở trung tâm khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết nhân viên ở TP. Nha Trang nên tiền xăng xe khá tốn. Với thu nhập thấp, chỉ một số người gửi tiền nhờ căng tin nấu ăn giùm, còn lại mang cơm nhà đi ăn trưa. Bà Liêm bộc bạch, hồi mới đến trung tâm, lúc nào cũng thấy người bệnh la hét, chửi bới, bôi bẩn, bà mệt mỏi rã rời, sụt cân, nghĩ sẽ không cầm cự nổi. Chồng bà bảo, nếu cực quá thì xin việc khác, nhưng nghĩ lại, khi người tâm thần tỉnh táo lại rất tình cảm, còn hỏi mình có mệt không, xin phụ làm giúp, vậy là hết muốn bỏ. “Nghĩ lại thấy họ cũng tội, mình không chăm họ thì còn ai chăm?. Có thể giúp người bằng chính nghề của mình thì sao không làm?”, bà Liêm tâm sự.
Tâm huyết đó đã có kết đẹp. Bà T.T.B.T (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, em gái ông T.V.D) xúc động nói qua điện thoại: “Anh tôi đã nhiều lần bỏ nhà đi nhưng đều tìm được. Năm 2008, anh lại bỏ đi nhưng lần này tìm không thấy. Sau đó, tòa án tuyên bố anh đã chết. Khi cô Thanh gọi video, thấy anh, tôi mừng lắm. Nhờ các anh chị ở trung tâm chăm sóc suốt 13 năm, giờ anh tôi đã nhớ được ít nhiều, biết tự phục vụ…”. Bà Trương Thị Ngọc Thanh – Phó phòng Nuôi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội bồi hồi nhớ lại cảm giác vui mừng khi ông T.V.D bỗng nhiên nắm tay, hỏi mượn cây viết rồi ghi đúng tên người thân, địa chỉ. Năm 2021, ông D. về với gia đình, nhưng mỗi lần gọi điện thoại, ông vẫn hỏi thăm bà Thanh, bà Liêm… Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng các cán bộ, nhân viên trung tâm vẫn vượt qua nhọc nhằn để sẻ chia, tìm thấy niềm vui bởi họ có trái tim ấm áp tình thương. Và những trái tim ấm đó rất cần được hỗ trợ.
Bà Nguyễn Vũ Minh Thư chia sẻ, trung tâm thống nhất với chủ trương tinh giản biên chế, nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong giai đoạn 2022 – 2026, trung tâm đề xuất bổ sung 8 viên chức, 2 hợp đồng theo Nghị định 68. Ông Nguyễn Thành Sơn cho biết, sở đang rà soát lại chính sách và đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các cơ sở bảo trợ xã hội, đồng thời đi học hỏi kinh nghiệm để tham mưu UBND tỉnh chế độ hỗ trợ cán bộ, nhân viên các cơ sở này, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua.
Tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB-XH cuối tháng 9, ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhiều lần tới thăm trung tâm, tôi thấy đa số cán bộ, nhân viên làm việc rất nhọc nhằn, khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Người tâm thần ở trung tâm ngày một đông nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên lại thiếu, tạo ra nhiều áp lực. Sở LĐ-TB-XH cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm đề xuất UBND tỉnh chính sách hỗ trợ cán bộ, nhân viên trung tâm để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua.
_____________________________________ Trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TB-XH, được tách từ bộ phận chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 11-2020. Năm 2021, trung tâm được giao 31 biên chế, nhưng thực tế chỉ có 29 người, chăm sóc 148 người tâm thần; còn 2 biên chế chưa sử dụng do vị trí công tác xã hội viên không có người đăng ký tuyển dụng. Trong khi đó, theo Thông tư 33, trung tâm cần có 113 người theo định mức, đang thiếu 82 người so với số biên chế được giao. |
NGUYỄN VŨ – VĂN GIANG