Review Nha Trang

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Thời gian qua, ngành Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, nhất là đối tượng người cao tuổi (NCT).

Quan tâm chăm sóc người cao tuổi

 

Năm 2012, mô hình “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Hội NCT tỉnh triển khai thí điểm. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.500 câu lạc bộ (CLB) tư vấn và chăm sóc NCT, với hơn 125.000 thành viên tham gia. Tùy vào tình hình thực tế, các CLB sinh hoạt theo ngày, theo tuần hoặc định kỳ hàng tháng; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút NCT tham gia. Ông Nguyễn Hữu Tạ (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cho biết, 3 năm nay, ông tham gia đều đặn các buổi sinh hoạt CLB của chi hội NCT nơi ông sinh sống. Thông qua các buổi sinh hoạt, ông được nắm bắt kịp thời chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Qua các đợt khám sức khỏe, truyền thông của ngành Y tế, ông biết nhiều thông tin về phòng, chống dịch bệnh, cách phòng ngừa một số bệnh ở NCT…

Truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ.

Truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ.

Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, những hoạt động tích cực nói trên không chỉ có tác dụng to lớn đến đời sống sức khỏe, tinh thần của NCT mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong giải quyết vấn đề già hóa dân số… Để nâng cao hiệu quả các mô hình này, thời gian tới, ngành DS-KHHGĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của NCT; tiếp tục hướng dẫn các CLB triển khai sinh hoạt định kỳ, thường xuyên để NCT nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân, đồng thời tham gia truyền thông trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn.

 

Tăng cường công tác phối hợp

 

Bên cạnh chăm lo cho NCT, ngành Dân số còn triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số. Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh truyền thông về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền việc thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh; khuyến khích hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khỏe sinh sản; nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng về bình đẳng giới, hành vi bạo hành trong gia đình. Bên cạnh đó, duy trì 10 CLB tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, lồng ghép tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn về mất cân bằng giới tính khi sinh cho vị thành niên, thanh niên…

Bà Trần Thị Kim Oanh – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, thời gian qua, sự phối hợp, kết hợp của các cấp, ngành, đoàn thể trong việc lồng ghép nội dung DS-KHHGĐ vào hoạt động của đơn vị đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, chất lượng dân số ở tỉnh vẫn còn thấp; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao; tình trạng mang thai, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên, tảo hôn còn xảy ra ở nhiều địa bàn, tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Hoạt động sàng lọc trước sinh, sơ sinh đã được triển khai nhưng số đối tượng thụ hưởng chưa nhiều…

Thời gian tới, ngành Dân số sẽ tập trung đẩy mạnh tiếp thị xã hội các biện pháp tránh thai phi lâm sàng; thực hiện tốt xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ của hệ thống y tế nhà nước và tư nhân. Đồng thời, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác dân số và phát triển, giảm tảo hôn, mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm sinh con thứ 3… Phấn đấu duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức 1%; tiếp tục duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 112 trẻ trai/100 trẻ gái và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới 7%.

MINH TÂM

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »