Tai nạn giao thông tăng cao
Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) tăng cả 3 tiêu chí. Để kéo giảm TNGT những tháng cuối năm, các địa phương và lực lượng chức năng tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Tai nạn tăng cả 3 tiêu chí
Theo thống kê trong 9 tháng, TNGT đường bộ tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 6 người, bị thương 8 người. TNGT đường bộ chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ và nội thị (55,3% vụ xảy ra trên quốc lộ và 25,9% số vụ xảy ra ở nội thị). Theo thống kê sơ bộ, các vụ TNGT xảy ra chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Phương tiện gây TNGT đường bộ đa số là mô tô, chiếm 29/39 vụ đã có kết quả điều tra; số người không có giấy phép lái xe mô tô, xe máy rất lớn (khoảng 47%) nhưng vẫn điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa.
Ông Phạm Văn Trọng – Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết, đa số các vụ tai nạn có thời gian điều tra kéo dài nhưng chưa tìm ra nguyên nhân xảy ra TNGT. Cụ thể, trong 9 tháng vẫn còn 40/85 vụ TNGT nghiêm trọng trở lên đang điều tra nguyên nhân, từ đó gây trở ngại đối với việc đánh giá, phân tích nguyên nhân gây tai nạn để tìm ra giải pháp giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, hành lang ATGT để kinh doanh buôn bán, họp chợ nhỏ lẻ tự phát vẫn còn tiếp diễn là nguyên nhân gây ùn tắc và nguy cơ mất ATGT cho người tham gia giao thông.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho rằng, để kéo giảm TNGT những tháng cuối năm cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, đối với công tác tuyên truyền, cần đổi mới hình thức, tăng thời lượng, tần suất và hướng dẫn thực hiện pháp luật về trật tự ATGT đến cụm dân cư, thôn xóm, khu phố. Lực lượng chức năng toàn tỉnh cần tiếp tục huy động tối đa nhân lực, tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến giao thông trọng điểm, những đoạn đường, nút giao thông thường xảy ra TNGT, tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, tại các bến thủy nội địa, các điểm du lịch; phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT.
Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị các địa phương thường xuyên duy tu, bảo trì, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông; khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát việc bảo đảm ATGT đối với các công trình đường bộ đang khai thác. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo đảm ATGT trong quá trình thi công các công trình giao thông theo quy định, xử lý nghiêm đối với những trường hợp để xảy ra TNGT. Cùng với đó, các địa phương rà soát bổ sung biển báo hiệu, giải tỏa vật cản che khuất tầm nhìn; bổ sung, gia cố, sửa chữa các công trình bảo đảm ATGT tại các đoạn dốc, đường cong nguy hiểm.
Các địa phương cũng cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường phát quang mở rộng tầm nhìn tại các ngã ba, ngã tư, các đoạn đường cong trên địa bàn; xử lý nghiêm việc lấn, chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt gây mất ATGT; xóa bỏ đường ngang dân sinh mở trái phép, tăng cường cảnh báo, đề nghị bố trí người cảnh giới tại những điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
9 tháng năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 89 vụ TNGT, làm chết 95 người, bị thương 31 người. So với cùng kỳ năm 2021, TNGT tăng 19 vụ (tăng 27,1%), tăng 22 người chết (tăng 30,1%), tăng 12 người bị thương (tăng 63,2%). Tính đến ngày 14-9, lực lượng chức năng toàn tỉnh lập gần 20.000 biên bản vi phạm, xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trật tự ATGT với số tiền hơn 37,5 tỷ đồng. So với 9 tháng năm 2021, tổng số tiền xử phạt hành chính tăng 80,1%. |
THÀNH NAM