Những người vượt qua bóng tối
Các cụ đã có câu “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” để nói về nỗi khổ của những người chẳng may trời bắt phải khiếm thị, nhưng những người phụ nữ khiếm thị chúng tôi gặp, bằng ý chí, nghị lực đã luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
Tìm lại hạnh phúc
Sáng Chủ nhật, trong căn nhà cấp 4 mới xây chưa lâu, bà Nguyễn Thị Lộc (tổ dân phố Linh Hòa, phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) đang day bấm huyệt cho khách. Nhìn bà Lộc tươi cười trò chuyện, hướng dẫn cho khách những huyệt để trị bệnh, cách day bấm huyệt như thế nào cho đúng…, ít ai biết bà là người khiếm thị.
Với sự mẫn cảm từ đôi tay, bà Lộc đã giúp đỡ được nhiều người khỏi bệnh nhờ vào nghề bấm huyệt.
Để giữ được tinh thần lạc quan, đến và sống được với nghề, tự nuôi bản thân và lo cho gia đình khi ánh sáng của đôi mắt không còn là cả câu chuyện đẫm nước mắt của bà. Bà Lộc kể, năm 33 tuổi, trong một lần bị bệnh, bà đến bệnh viện để tiêm thuốc. Sau khi tiêm, đôi mắt bị sưng vù, cứ nghĩ là chuyện bình thường nên bà không báo bác sĩ. Qua hết một đêm, đến khi mở mắt ra, trước mắt bà là mảng tối đen. Bà đi chữa chạy khắp nơi, đến khi nhận được thông báo từ Bệnh viện Mắt (TP. Hồ Chí Minh) mắt bà bị hư giác mạc do dị ứng thuốc không có khả năng phục hồi, bà suy sụp hẳn. Những năm đó, bà thật sự không thiết sống vì cuộc sống của gia đình đã khó khăn, con còn nhỏ, lẽ ra phải gánh vác cùng chồng thì bà lại trở thành gánh nặng. Cũng may, những lời động viên của gia đình đã giúp bà dần lấy lại niềm tin cuộc sống.
Để tự nuôi sống mình, bà Lộc tìm đến Hội Người mù TP. Cam Ranh để học nghề massage, thêm cơ duyên gặp được người thầy chỉ dạy cho cách bấm huyệt chữa bệnh. Ông trời lấy đi ánh sáng của đôi mắt nhưng lại bù cho bà sự mẫn cảm từ đôi tay, cộng với khả năng thiên bẩm, bà đã chữa hết bệnh cho nhiều người đi đứng không được. Không chỉ trong tỉnh, nhiều người ở tỉnh khác cũng tìm đến bà để chữa bệnh. Bà còn dạy nghề cho 1 hội viên Hội Phụ nữ phường, tham gia cùng nhóm bạn bè làm từ thiện.
Trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm 56/23 đường Lương Định Của (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) thường xuyên vang lên tiếng cười hạnh phúc, tiếng líu ríu của trẻ con. Ít ai biết rằng, trong ngôi nhà ấy, cả 2 vợ chồng bà Bùi Thị Kim Loan (49 tuổi) và ông Võ Văn Xuân (53 tuổi) đều bị khiếm khuyết về đôi mắt. Ông Xuân không may mắn bị mù bẩm sinh, bà Loan cũng vĩnh viễn mất đi đôi mắt khi tròn 20 tuổi do bị bệnh. Gặp và cùng nhau sinh hoạt tại Hội Người mù TP. Nha Trang, hoàn cảnh đồng điệu khiến ông bà nảy sinh tình cảm. Vượt qua những lo lắng, đắn đo, ông bà quyết định về chung một nhà vào năm 2005. Hai vợ chồng gom góp số tiền tích góp trước đó mở cơ sở massage tại nhà. Để sống được với nghề, người khác làm một, ông bà làm gấp 2, gấp 3 lần. Nhờ chăm chỉ, lượng khách quen ổn định, cuộc sống của ông bà dần cải thiện. Năm 2007, niềm hạnh phúc của ông bà nhân đôi khi đứa con đầu lòng ra đời khỏe mạnh. Bà Loan chia sẻ: “Vợ chồng tôi không có ký ức về một cuộc sống đầy màu sắc, đầy ánh sáng của một gia đình bình thường, nhưng chúng tôi luôn hạnh phúc. Hạnh phúc nhất là con mình khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi và biết phụ bố mẹ việc nhà. Khi cuộc sống ổn định hơn, tôi sẽ quay trở lại dạy chữ nổi cho những người khiếm thị, để giúp họ có con chữ, được đến gần hơn với cuộc sống”.
Hơn 6 giờ, bên trong sân Hội Người mù TP. Nha Trang, các thành viên của hội đã có mặt xếp các bó đót để làm chổi. Là người lớn tuổi nhất, làm lâu nhất trong nhóm, bà Vũ Thị Tươi (xã Phước Đồng) vừa làm vừa hướng dẫn cho 2 thành viên mới vào. Bà Tươi kể, quê bà ở Thái Bình, năm 21 tuổi, sau khi lấy chồng được hơn 7 tháng, mắt bà tự nhiên tối sầm và mù từ đó. Vượt qua nỗi đau, bà nỗ lực vươn lên để sống khi biết mình mang thai. Nhưng cuộc sống trớ trêu, 2 đứa con sinh ra lần lượt bỏ bà ra đi khi chưa tròn tuổi. Nỗi đau chồng nỗi đau khiến bà ngã quỵ. Được sự động viên của gia đình, vợ chồng bà chuyển vào Nha Trang sinh sống và may mắn sinh được 3 đứa con khỏe mạnh. Ở với nhau được 10 năm, không chịu được khổ cực, chồng bà đưa 2 con về quê, để lại cho bà đứa con nhỏ nhất. Không nghề nghiệp, mắt lại mù, nhưng bà Tươi vẫn cố gắng lần mò nuôi gà, heo nuôi con nên người. Lớn tuổi, sức khỏe kém nên 10 năm nay, bà Tươi tham gia Hội Người mù TP. Nha Trang làm nghề đan chổi và bán chổi.
Bà Vũ Thị Tươi đang bó đót làm chổi.
Không chỉ có bà Tươi, ở nơi đây còn có bà Trần Thị Hoài Thương, Phan Thị Sửa – những người dù bị mất đi ánh sáng của đôi mắt nhưng vẫn luôn nỗ lực vươn lên, tự kiếm sống, tự tìm hạnh phúc cho chính mình.
Chung tay hỗ trợ
Ông Lê Văn Thắng – Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 1.038 hội viên, trong đó có 527 hội viên nữ. Thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã tạo điều kiện cho các hội viên đi học các lớp chữ nổi, tẩm quất, bấm huyệt để có việc làm, mang lại thu nhập ổn định. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1 cơ sở dạy nghề và 6 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho 156 hội viên, với mức thu nhập trung bình 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đề xuất với các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác dạy chữ, dạy nghề, kêu gọi, vận động thêm nguồn lực từ cộng đồng xã hội để tặng quà, hỗ trợ hội viên khó khăn. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp nắm bắt khả năng lao động, tạo thêm nhiều việc làm thiết thực cho người mù để họ có thêm thu nhập, làm chủ cuộc sống.
Cùng với Hội Người mù, những năm qua, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động trợ giúp thiết thực cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. Hàng năm, các cấp hội vận động các nguồn lực xã hội hơn 2,5 tỷ đồng, tặng 10.085 suất quà cho hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, trong đó có phụ nữ khiếm thị… Bà Nguyễn Quỳnh Nga – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động giao lưu, tọa đàm, biểu dương gương phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên, từ đó giúp chị em hòa nhập cộng đồng, ngày càng tự tin hơn trong cuộc sống. Đồng thời, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo thêm thu nhập, hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.
Chia tay họ, chúng tôi ra về mang theo hình ảnh những người khiếm thị chia nhau từng cây chổi, mò mẫm từng bước đi, rẽ vào từng con đường để mưu sinh. Mặc dù các cấp chính quyền đã có nhiều chính sách, hoạt động an sinh xã hội hỗ trợ đối với người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng nhưng mức độ tiếp cận của họ vẫn còn hạn chế. Vì thế, cần lắm sự chung tay hơn nữa từ cộng đồng để những mảnh đời khiếm khuyết có cơ hội vươn lên.
Ông Lê Văn Thắng – Chủ tịch Hội Người mù tỉnh: Hội đang quản lý số vốn hơn 600 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, tạo điều kiện cho 38 hội viên vay vốn phát triển kinh tế và 300 triệu đồng cho 40 hội viên vay từ Quỹ từ thiện xã hội. Qua kiểm tra, các hội viên đều sử dụng số tiền vay đúng mục đích, đầu tư có hiệu quả, nhiều hội viên nhờ vay vốn đã cùng với gia đình phát triển chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, buôn bán nhỏ, dần dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. |
Trúc Ly