Review Nha Trang

Bất cập trong thi hành Luật Hộ tịch

Thời gian qua, Luật Hộ tịch (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan đăng ký hộ tịch Khánh Hòa giải quyết. Tuy nhiên, các sự kiện hộ tịch trên thực tế rất đa dạng nên đến nay, việc thi hành luật đã bộc lộ một số bất cập, cần được tháo gỡ.

 

Vướng nhiều quy định

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về giám sát việc giám hộ, nhưng Luật Hộ tịch và Nghị định 123, ngày 15-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch lại không quy định chi tiết nội dung trên nên cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn phải đăng ký giám sát việc giám hộ theo Công văn số 829, ngày 17-8-2020 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) hướng dẫn thực hiện tạm thời thủ tục này.

Giải quyết thủ tục cấp bản sao trích lục khai sinh tại UBND xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang).

Giải quyết thủ tục cấp bản sao trích lục khai sinh tại UBND xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang).

 

Nghị định 123 cho phép đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp bản sao trích lục hộ tịch nếu đã đăng ký trước ngày 1-1-2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất. Tuy nhiên, có trường hợp công dân còn giữ được bản chính giấy tờ hộ tịch, nhưng cơ quan đăng ký hộ tịch lại không lưu giữ được sổ hộ tịch nên không có thông tin đăng ký trong cơ sở dữ liệu hộ tịch (gồm sổ hộ tịch và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, là căn cứ để cấp bản sao trích lục hộ tịch); do đó, không đủ điều kiện đăng ký lại, không thể cấp bản sao trích lục hộ tịch.

Thông tư số 04, ngày 28-5-2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123 quy định, các sự kiện hộ tịch đã được đăng ký hợp lệ thì không bổ sung thông tin còn thiếu so với biểu mẫu hiện hành. Tuy nhiên, có thời kỳ, biểu mẫu giấy khai sinh lại không có thông tin quê quán, dân tộc, quốc tịch, năm sinh của cha mẹ. Do đó, nhiều trường hợp công dân cần làm căn cước, đăng ký cư trú, xuất cảnh… nhưng giấy khai sinh lại không có thông tin, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Việc xác định quê quán ở các thời kỳ cũng quy định khác nhau. Quyết định số 1203, ngày 26-12-1998 của Bộ Tư pháp quy định, quê quán được xác định theo nơi sinh trưởng của cha đẻ, nếu không xác định được cha đẻ thì theo nơi sinh trưởng của mẹ đẻ, không xác định được cha, mẹ thì để trống. Nay Luật Hộ tịch quy định, quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai đăng ký khai sinh. Thực tế, nhiều trường hợp cha, mẹ có quê quán khác nhau, khi người dân yêu cầu thay đổi, cải chính lại không giải quyết được bởi không đảm bảo điều kiện cải chính hộ tịch (thời điểm đăng ký có sai sót, thuộc phạm vi thay đổi hộ tịch).

 

Số hóa lĩnh vực hộ tịch gặp khó

Ông Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) cho biết, một số thông tin trong sổ bộ hộ tịch của xã bị mờ, nhòe do đã lưu trữ quá lâu, hồ sơ giấy lưu lại bị thất lạc nên việc nhập dữ liệu hộ tịch không chính xác. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa cập nhật lên Hệ thống Đăng ký và quản lý hộ tịch nên khi người dân đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch, xã không thực hiện được và phải hướng dẫn người dân đến xin tại nơi đăng ký hộ tịch, làm giảm sự hài lòng của người dân đối với xã.

Hiện nay, một số xã, phường ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa có tốc độ đường truyền không ổn định; trang thiết bị xuống cấp. Một số sổ hộ tịch khó số hóa do đã bị ố, mục, rách, mờ chữ, không xác định được thông tin đăng ký, nhất là giai đoạn trước năm 1995. Việc số hóa dữ liệu hộ tịch cũng gặp khó do biên chế làm công tác hộ tịch hạn chế, lại không được hợp đồng làm công tác chuyên môn. Hệ thống Đăng ký và quản lý hộ tịch thường xuyên bị lỗi, nhất là từ năm 2021 đến nay nên xử lý hồ sơ chậm…

Ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ – Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều đề án của Trung ương và kế hoạch về lĩnh vực hộ tịch; ban hành mức thu lệ phí hộ tịch; tiếp tục triển khai hiệu quả liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí… Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật Hộ tịch đã bộc lộ một số bất cập. UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tư pháp kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan. Trong đó, UBND tỉnh kiến nghị nâng cấp Hệ thống Đăng ký và quản lý hộ tịch; chuẩn hóa tài liệu hướng dẫn số hóa sổ hộ tịch và tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đảm bảo thông tin số hóa chuẩn xác, hoàn thành đúng tiến độ.

 

Tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thành cập nhật dữ liệu đăng ký hộ tịch từ ngày 1-1-2016 đến nay và đang cập nhật dữ liệu đăng ký trước ngày 1-1-2016 lên Hệ thống Đăng ký và quản lý hộ tịch. Hệ thống đã ghi nhận 705.204 dữ liệu đăng ký hộ tịch; 67.789 trường hợp giải quyết yêu cầu liên thông đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; 7.380 trường hợp giải quyết yêu cầu liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí trên địa bàn tỉnh.

NGUYỄN VŨ

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »