Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị vịnh Nha Trang
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, trong đó xác định việc giữ gìn, phục hồi rạn san hô ở vịnh Nha Trang, vùng biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, lâu dài của tỉnh và TP. Nha Trang. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:
Ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Cấp thiết phục hồi rạn san hô
Vịnh Nha Trang là danh thắng quốc gia, đồng thời là thành viên của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới, có nhiều giá trị về mặt cảnh quan cũng như sự đa dạng về sinh học khi có hầu hết các hệ sinh thái đặc thù, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái. Do đó, việc giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang, bao gồm khu vực biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Kế hoạch đã được xây dựng với sự tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp của rất nhiều nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia ở tại Khánh Hòa (Viện Hải dương học, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3…).
- Xin ông cho biết, mục tiêu chính của kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030?
Mục tiêu của kế hoạch là phục hồi được các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong vịnh Nha Trang; huy động được các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia giám sát, bảo vệ và bảo tồn rạn san hô trong vịnh gắn với phát triển sinh kế bền vững và các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, được kiểm soát nghiêm ngặt. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với vịnh Nha Trang thông qua thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan với sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng liên quan; thử nghiệm mô hình quản trị công tư theo hướng xã hội hóa trong quản lý, sử dụng và bảo tồn vịnh Nha Trang…; xây dựng được cơ chế tạo nguồn tài chính lâu bền theo hướng kết hợp ngân sách nhà nước với huy động tối đa nguồn ngân sách đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có khai thác, sử dụng vịnh Nha Trang, từ các nhà tài trợ trong nước và quốc tế cùng các nguồn xã hội hóa khác. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang cho cộng đồng, doanh nghiệp, du khách và các thành phần xã hội khác có liên quan.
Một góc vịnh Nha Trang. Ảnh: KHOA TRẦN
- Việc bảo tồn và phục hồi rạn san hô sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Theo kế hoạch, giải pháp được đưa ra là: Tạm dừng các hoạt động du lịch lặn biển có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô ở các địa điểm rạn san hô bị suy thoái nghiêm trọng tại đảo Hòn Mun và các địa điểm khác (nếu có) trong vịnh Nha Trang; nghiêm cấm các hoạt động xâm hại đến môi trường sống và rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun, ở các vùng lõi khác trong vịnh Nha Trang. Cùng với đó, kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang; tạm thời giữ nguyên diện tích và tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện có trên vịnh Nha Trang; di chuyển hoạt động lưới đăng ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt tại phía nam Hòn Mun…
Thợ lặn kiểm tra san hô tại khu vực biển Hòn Mun.
Để phục hồi san hô đã bị suy thoái ở Hòn Mun và vịnh Nha Trang, cơ quan hữu quan sẽ khảo sát, xác định mức độ và nguyên nhân suy thoái. Đồng thời, tiến hành làm sạch môi trường khu vực biển Hòn Mun, loại bỏ rác thải nhựa trong rạn san hô, sắp xếp các cành vụn gãy của san hô để san hô có cơ hội tự phục hồi và thực hiện giải pháp kỹ thuật phục hồi phù hợp đối với rạn san hô ở các khu vực biển vừa nêu (sẽ kiểm tra định kỳ sự phát triển của san hô và rạn san hô ở những khu vực tiến hành phục hồi); xây dựng rạn san hô nhân tạo…
- Trong kế hoạch đề ra giải pháp hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận. Vậy đơn vị nào sẽ chủ trì vấn đề này, thưa ông?
UBND tỉnh sẽ mời Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chủ trì thực hiện kế hoạch phục hồi và bảo tồn rùa biển tại vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động về xây dựng và thực hiện các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cho cộng đồng để quản lý hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thủy sản được bảo vệ, trong đó có rùa biển; cải thiện công tác quản lý hệ sinh thái, môi trường các loài thủy sản thông qua việc thực hiện đánh giá, giám sát hàng năm rác thải nhựa ở các bãi biển và khu vực rạn san hô…
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
- Cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vịnh Nha Trang, trong đó việc thiết lập và thử nghiệm phương thức quản trị công tư khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Kế hoạch đã đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang và Đội quản lý liên ngành như: Tăng cường trang thiết bị đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn; bổ sung lực lượng từ Thanh tra chuyên ngành Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Bộ đội Biên phòng tỉnh… tham gia Đội quản lý liên ngành. Đồng thời, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong vịnh Nha Trang. Trong đó, sẽ tập trung rà soát, hoàn chỉnh Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các hoạt động trên vịnh Nha Trang; xây dựng Quy chế quản lý các hoạt động dịch vụ trong vịnh Nha Trang; xây dựng Quy chế kiểm soát chất thải đổ vào vịnh, bao gồm rác thải nhựa; xây dựng chính sách về giá và phí hoạt động dịch vụ trong phạm vi vịnh Nha Trang…
Một giải pháp mới cũng đáng quan tâm đó là thiết lập và thử nghiệm phương thức quản trị công tư khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang. Dự kiến, sau khi xác lập Khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang và xây dựng cơ chế (thử nghiệm) hợp tác công tư trong quản trị, quản lý khu vực này, tỉnh sẽ mời Công ty Cổ phần Vinpearl ký kết thỏa thuận hợp tác công tư, thực hiện phương thức quản trị mới theo cơ chế thử nghiệm đó.
- Trong khu vực vịnh Nha Trang còn có những cộng đồng sống nhờ vào việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Xin ông cho biết, việc xây dựng sinh kế bền vững cho người dân sẽ bắt đầu từ đâu?
Trong kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra giải pháp tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun. Cụ thể, thời gian tới, thành phố phải củng cố, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý hệ sinh thái rạn san hô và sẽ phân công trách nhiệm quản lý, giám sát, bảo vệ rạn san hô cho cộng đồng cư dân tại tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang). Trong quá trình triển khai thực hiện, TP. Nha Trang sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đảo xanh, sạch, văn minh, từng bước chuyển đổi nghề cho ngư dân ở đảo Bích Đầm.
- Đơn vị nào sẽ chủ trì để triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, thưa ông?
UBND tỉnh đã giao UBND TP. Nha Trang chủ trì tham mưu thành lập Tổ tư vấn thực hiện kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, hàng năm báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện; chỉ đạo các phòng, ban liên quan và Ban Quản lý vịnh Nha Trang thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch… Bên cạnh đó, các sở, ngành thuộc UBND tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động như đã phân công trong kế hoạch đạt chất lượng và hiệu quả.
– Xin cảm ơn ông!
XUÂN THÀNH (Thực hiện)