Triển khai dạy các môn tiếng dân tộc thiểu số: Tập trung chuẩn bị để đạt hiệu quả
Kế hoạch triển khai Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030” của UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ bố trí đủ nguồn lực để triển khai dạy môn tiếng Ê đê, đến năm 2030 dạy môn tiếng Raglai cho học sinh tiểu học.
Xây dựng lộ trình
Tiếng DTTS là môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường trên địa bàn tỉnh chưa triển khai giảng dạy. Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó, đến năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ hoàn thành biên soạn và phấn đấu đảm bảo đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 8 tiếng DTTS đã được ban hành chương trình môn học, bao gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh.
Học sinh dân tộc thiểu số ở TP. Cam Ranh.
Chương trình đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các điều kiện dạy học để tổ chức dạy tiếng Ê đê cho học sinh tiểu học theo Thông tư số 34/2020 của Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn học đối với 8 tiếng DTTS nói trên. Trong đó, bảo đảm đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học sau khi được bộ biên soạn, phê duyệt và ban hành; đảm bảo đủ giáo viên dạy tiếng Ê đê; 45% giáo viên dạy tiếng Ê đê có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% giáo viên dạy tiếng Ê đê được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng Ê đê được bồi dưỡng nâng cao năng lực. Đến năm 2030, phấn đấu đảm bảo các điều kiện để tổ chức giảng dạy thêm môn tiếng Raglai, trong đó 100% giáo viên giảng dạy tiếng Ê đê và tiếng Raglai sẽ có trình độ đào tạo đạt chuẩn.
Đảm bảo các điều kiện tổ chức giảng dạy
Ông Đỗ Hữu Quỳnh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, việc tổ chức dạy môn tiếng DTTS có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển tiếng nói, chữ viết, văn hóa của đồng bào DTTS. Tuy nhiên, do học sinh DTTS sống rải rác ở các địa bàn cách xa nhau nên việc tập hợp để tổ chức lớp học sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, để triển khai chương trình còn phải đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… Giải pháp đề ra là nâng cao năng lực của Trường Đại học Khánh Hòa trong việc phát triển chương trình, mở ngành đào tạo giáo viên tiếng DTTS, giáo viên liên môn (trong đó có tiếng DTTS, trọng tâm là tiếng Ê đê và tiếng Raglai). Bên cạnh đó, thực hiện đào tạo giáo viên tiếng DTTS với các phương thức linh hoạt, như: Văn bằng 2, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ… Sở sẽ tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng DTTS về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về kiến thức dân tộc và quản lý dạy học tiếng DTTS. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách đối với người dạy và người học tiếng DTTS.
Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT thống kê số lượng học sinh DTTS, tham mưu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai dạy học tiếng DTTS phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, bố trí, sắp xếp nguồn lực nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu, đội ngũ giáo viên để tổ chức giảng dạy hiệu quả. Ngoài ra, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kho học liệu và dạy học tiếng DTTS.
H.NGÂN