Mỹ vị bên bờ rào
Mỗi lần nhớ về cái xóm lao động ven đô nơi mình ở ngày thơ ấu là nhớ về các món mỹ vị bên bờ rào đầu tiên. Mỹ vị, vì đó là thứ hương vị được lưu giữ đậm đà dù qua bao nhiêu tầng vỉa thời gian bao phủ nhưng cứ nhắc tới là khát khao, còn bờ rào là thủ phủ.
Ngày xưa Nha Trang còn là thị xã, trừ vài con phố chính thì nhà ở trong xóm trong làng hoặc giáp phố tất thảy đều có bờ rào, đa phần là những hàng rào bằng cây cỏ hoa lá. Đôi khi nhìn hàng rào mà đoán được giai cấp hoặc tính cách chủ nhân. Nhà kín cổng cao tường còn thêm bờ bao ở trên bằng mẻ chai lởm chởm, nhà chỉ kéo vài cọng dây thép gai, nhà có hàng rào hoa dâm bụt, có giậu mồng tơi, lùm keo… Trước nhà hay có cây lấy bóng mát, trong nhà thì thừa rẻo đất nào đều tận dụng cho cây trái hữu dụng mọc lên. Cây bờ rào nhà bên này gối sóng qua nhà bên cạnh, cây trước cổng che mát cho cả nhà bên kia đường, cây sau hè có khi thành cầu vượt cho hàng xóm giáp lưng qua thăm.
Nhà ngoại tôi ở Xóm Mới, đất không rộng lắm nhưng khi tôi lớn lên thì thấy trong nhà đã có cây bàng trước ngõ, cây ô ma sau hè, mãng cầu và ổi bên giếng nước, cây khế sát vách, dừa ở giữa sân, bụi bông lài ôm xòa rũ rượi cả một khoảng hàng rào dài, còn ngay lối đi hẹp là lùm dạ lý hương, một dãy chậu đất chỉ toàn hồng tỷ muội… Những buổi trưa hè, nhà ngoại thành nơi hóng mát cho người đi đường dưới bóng cây bàng, cho hàng xóm qua mắc võng nhờ dưới gốc ô ma, cho bọn trẻ trốn ngủ trưa leo cây ổi.
Rồi tất cả hoa trái vườn nhà ngoại theo thời gian chỉ còn là hình ảnh chìm sâu trong ký ức, cho tới một ngày bạn nói mấy chục năm rồi chưa ăn lại trái ô ma nên thèm ghê, nhân coi cái hình đen trắng mấy chục năm trước có gốc cây ô ma toàn lá. Câu nói như mở toang trang sách cũ ghi chép các món mỹ vị bờ rào, từng trang từng trang một là bàng, là điệp, trứng cá, chùm ruột, keo, ổi sẻ, ô ma, nhãn, mận, me… những thứ giờ đã trở thành quá vãng, bị bỏ quên.
Ai còn nhớ lùm keo mọc thành bụi xanh um lá chi chít gai nhỏ được trồng làm hàng rào? Không phải loại keo lá tràm thân gỗ. Keo hàng rào này có lá nhỏ và rậm được bứt ra rồi cột lại thành chùm tròn và dày chơi đá kiện vừa êm ái vừa mát chân. May mắn thì hái được trái keo chín tách ra có cơm dày ngọt trắng hồng. Như cây điệp hầu như mọc tràn bờ rào, bông đơn sơ nhưng cứng cáp thường được cắt cúng, còn trái cũng tách ra lấy hột ăn bùi bùi béo béo. Như cây ổi sẻ bên bờ giếng lả lơi hết một nửa qua sân sau nhà hàng xóm, trái chín thơm phức, ruột đỏ giòn ngọt to nhất cũng chỉ bằng cái trứng vịt, cắn một miếng mát cả trưa hè. Trái to ngon nằm trên cao vì bọn nhỏ trèo không tới, còn trái thấp hơn thì toàn dấu móng tay rằn ri bấm vô thử coi chín chưa. Nhánh nào bên hàng xóm coi như bụi đời. Dưới gốc ổi là cái giếng nước, miệng giếng được đậy bằng lưới B40 vuông vức 4 góc được bẻ quặp xuống. Cái lưới này đỡ được vài cú rớt từ trên cây ổi xuống, nảy tưng lên mấy nhịp chờ nạn nhân hoàn hồn. Giờ trái ổi nặng cả ký bán khắp nơi nhưng không còn vị như ngày xưa. Cả nhãn, mận, chùm ruột, me… cũng vậy.
Cách nhà ngoại vài chục mét là căn nhà có cây trứng cá mọc chồm hết ra đường. Có ai chưa từng một thời đi trèo cây bẻ nhánh hái trứng cá, lượm trứng cá rụng. Nhà có cây trứng cá trước ngõ kể như khỏi ngủ trưa, dưới bóng mát như cái lọng là đám trẻ nhỏ líu lo, đứa leo, đứa rung cành, đứa bẻ nhánh… Làm sao quên được cảm giác thòm thèm ngay khi cắn trái trứng cá chín đỏ ngọt mềm này. Nhớ cái bàn tay dơ hầy của đứa bạn hớn hở xòe ra với nắm trứng cá chiến lợi phẩm còn xanh lè. Bây giờ nhiều khi đi đường gặp trứng cá mọc hoang hoặc ngập ngừng ở các con đường ven đô rụng cả thảm trái chín đỏ bị giẫm nát bấy mà kỷ niệm cứ ứa lên trong lòng.
Sâu đậm trong tôi là cây ô ma phía sau và cây bàng phía trước trên đất nhà ngoại. Cây ô ma thấy nhiều người còn gọi là cây lê ki ma, hoặc trứng gà… Cây rất to cao, vươn tán rộng, dưới gốc mắc võng đón gió từ biển thổi về lồng lộng. Tới mùa ô ma lúc lỉu rợp cành, mỗi lần hái xuống là cả thúng cần xé, bà ngoại phải bưng từng rổ đi cho khắp xóm. Hoa trắng li ti rụng khắp sân bóp lên tanh tách nghe cũng vui tai, siêng hơn thì lấy chỉ xỏ qua làm chuỗi ngọc. Trái chín mềm bẻ ra vàng ruộm, ăn một miếng thấy ngọt, hai miếng thấy béo, ba miếng thì bắt đầu ngó nhau chọc ghẹo đứa đang ăn miệng mồm vàng vàng sền sệt dẻo dẻo… Giờ đi tìm lại trái ô ma chín để ngắm cũng khó.
Một thời trẻ con nương theo cây bàng trước ngõ suốt bốn mùa. Mùa đông thay lá chuyển màu từ xanh qua tím vàng đỏ nâu rồi chỉ còn trơ khung xương vạm vỡ, mùa xuân lộc biếc, mùa hạ đơm hoa kết trái, mùa thu trái chín vàng mọng rụng lộp độp khắp cả vạt đường. Tôi thích cạy nhựa cây màu hổ phách đã đông cứng lại trên thân, rồi ngâm nước cho nở ra, sơn phết lên những món đồ bằng gỗ cho bóng. Những ngày lá khô rụng bay lượn khắp nẻo, bà ngoại tôi phải xách chổi đi gom về đốt. Khói lá bàng trắng đục thơm cay cháy cuồn cuộn, người lớn không la là trẻ con cứ nhảy qua nhảy lại chỗ đầu cuộn khói. Sợ nhất là mùa bàng chín, hàng xóm muốn ăn thường vác đá chọi lên cho rụng chớ sào không đủ cao để hái, leo lại càng khó. Bàng chín rụng dập tơi tả, cạp phần cơm chín chua chua ngọt ngọt chan chát quanh trái xong là quăng phần còn thừa tứ tung. Ngoại lại ra quét dồn hết mớ trái bàng trên sân vào một góc, phơi nắng cho đến khi khô rang. Sau đó là những buổi trưa không ngủ lùa hết đám cháu ra ngồi đập đập khươi khươi lấy hột. Nhiều nhất là được chừng 2 tô hột bàng, còn nhiêu vô bụng đám trẻ ngồi khươi, nhưng cũng đủ cho má tôi ngào đường phết bánh tráng nướng đãi cả nhà. Món này giờ cũng thất truyền dù cây bàng tuổi thất thập vẫn gắng gượng đơm hoa kết trái.
Giá mà lúc nhỏ tôi đầu trần chân đất đi lang thang nhiều hơn thì ký ức về mỹ vị bên bờ rào của một Nha Trang xưa ắt sẽ còn mênh mông vô tận. Cha mẹ tôi, lứa lớn lên bên động cát rừng hoang trông ra biển lớn vẫn còn thắc thỏm nhớ vị ngọt của chùm bao, dủ dẻ, chim chim, cò ke, me dương… Thời khó nghèo cây trái bờ rào là bạn đường, là miếng ăn chơi thơm thảo kết làng trên xóm dưới, là cái tình của mảnh đất quê hương nhớ thương…
ÁI DUY
Nguồn: Báo Khánh Hòa