Xứ Trầm, biển yến – chất xúc tác cho văn nghệ sĩ sáng tạo
Nha Trang – Khánh Hòa, miền đất được mệnh danh là xứ Trầm, biển yến, nơi có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Những giá trị, bản sắc của văn hóa Nha Trang – Khánh Hòa từ lâu đã trở thành chất liệu, niềm cảm hứng để các thế hệ văn nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) chất lượng cao và được công chúng đón nhận.
Nguồn cảm hứng bất tận
Đầu tháng 4 năm nay, trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 – 2024), khán giả đã được nghe ca khúc “Khánh Hòa – thành phố tương lai” của nhạc sĩ Hình Phước Liên. “… Biển mênh mông, chim yến se duyên xây tổ kết tình/Đảo khơi xa, vang mãi khúc ca yêu người lính trẻ/Và trong ta, biết mấy yêu thương quê mình Khánh Hòa/Những con tàu gió lộng, thắp lên niềm khát vọng, mở lòng ra đón gió khơi xa/Chào quê hương, biết mấy yêu thương quê mẹ Khánh Hòa/Thành phố mới, chắp cánh thanh xuân bay cùng ước mơ/Đường tương lai, bát ngát ánh dương trên thành phố trẻ…”. Những ca từ bay bổng kết hợp với giai điệu âm nhạc sôi nổi, lạc quan đã tạo được ấn tượng với người nghe. “Hiện nay, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực từng ngày để đạt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đây đã khơi gợi trong tôi ý tưởng để viết nên một ca khúc nhằm góp phần cổ vũ cho nhiệm vụ lớn này của tỉnh. Gần 50 năm sáng tác âm nhạc, tôi không nhớ hết được số lượng ca khúc viết về Nha Trang – Khánh Hòa. Hấu hết các tác phẩm thành công của tôi được khán giả đón nhận đều viết về quê hương, đất nước, con người Khánh Hòa. Đối với tôi, đây thực sự là nguồn cảm hứng lớn lao cho những sáng tác của mình”, nhạc sĩ Hình Phước Liên cho biết.
Tiết mục hát múa “Khánh Hòa – thành phố tương lai” – một sáng tác của nhạc sĩ Hình Phước Liên được biểu diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 xây dựng và phát triển TP. Nha Trang. |
Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ, trong gia tài kịch bản tuồng và dân ca kịch bài chòi của ông có rất nhiều tác phẩm viết về những câu chuyện vùng đất, con người Khánh Hòa như các vở: Huyền thoại Mẹ xứ sở, Thanh gươm giữ nước, Thái Xuyên Trần Quý Cáp, Trịnh Phong… Quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa, nhưng ông sinh sống tại Nha Trang từ hơn 50 năm nay nên nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Cảnh vật tươi đẹp, con người hiền lành, thân thiện là cơ duyên để ông cống hiến tài năng, tâm huyết cho nền nghệ thuật sân khấu nơi đây.
Một cách nhẹ nhàng, sâu lắng, vùng đất xứ Trầm, biển yến đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của đông đảo văn nghệ sĩ trong tỉnh. Lực lượng văn nghệ sĩ Khánh Hòa cũng không ngừng nỗ lực để sáng tạo nên các tác phẩm VHNT mang đậm tính nhân văn, gắn liền với vùng đất này. Trong đó, nhiều tác phẩm có giá trị cao về truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất Khánh Hòa. Qua đó, góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân, quảng bá vùng đất Khánh Hòa nói riêng, quê hương đất nước nói chung. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã đạt được các giải thưởng trong nước, quốc tế và được giới chuyên môn, công chúng đánh giá cao như: Ca khúc “Khánh Hòa đẹp nắng xuân về”, “Hành khúc đoàn Trường Sa anh hùng”, “Lung linh hồn biển” của nhạc sĩ Hình Phước Long; các tác phẩm nhiếp ảnh “Đảo Nam Yết anh hùng”, “Nha Trang biển hẹn”, “Hang Heo – Vũng Điệp” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Ngọc Hoàng; truyện ký “Nắng Cam Ranh” của tác giả Lê Nguyên Đông; tản văn “Ở Nha Trang sóng tựa như mây” của nhà văn Ái Duy; tập bút ký “Hoa của biển” của nhà văn Phong Nguyên…
Bồi đắp thêm cảm xúc
Theo họa sĩ Trần Hà – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, để khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh tập trung sáng tác nhiều hơn các tác phẩm có giá trị về Nha Trang – Khánh Hòa, hội đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới hội viên. Hội đã kết nạp nhiều hội viên mới có trình độ chuyên môn về các loại hình sáng tác VHNT. Hiện nay, hội có gần 400 hội viên thuộc 7 chi hội chuyên ngành, gồm: Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn nghệ dân gian, múa. Trong đó, có hơn 130 hội viên của các hội chuyên ngành Trung ương. Đặc biệt, có 8 hội viên được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT; trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có 4 NSND và 14 NSƯT.
Từ nhiều năm nay, Hội VHNT tỉnh đã thực hiện hỗ trợ các hội viên trong việc sáng tạo, công bố tác phẩm bằng nhiều cách thức khác nhau. Hàng năm, UBND tỉnh đều trao Tặng thưởng VHNT cho 20 tác phẩm xuất sắc trong năm. Đây là những tác phẩm, công trình nghiên cứu về VHNT đã được công bố, có nội dung lành mạnh, tính nghệ thuật cao, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh, đất nước và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ngoài ra, 5 năm một lần, tỉnh tiến hành xét chọn Giải thưởng VHNT tỉnh 5 năm. Đến nay, tỉnh đã xét chọn 4 lần, có 18 lượt tác giả được trao giải A, 45 lượt tác giả giải B, 57 lượt tác giả giải C, 16 lượt tác giả giải khuyến khích. Tỉnh Khánh Hòa là một trong số ít địa phương có cả hai giải thưởng này, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với hoạt động lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ, qua đó đã khen thưởng, động viên kịp thời những đóng góp, cống hiến của các tác giả có tác phẩm, công trình nghiên cứu xuất sắc. Những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng, nghệ thuật về mảnh đất xứ Trầm, biển yến của đội ngũ văn nghệ sĩ Khánh Hòa đã góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Từ tình yêu quê hương Khánh Hòa, lực lượng văn nghệ sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sáng tác, quảng bá những giá trị đời sống tinh thần và góp phần xây dựng hệ tư tưởng cộng đồng xã hội.
GIANG ĐÌNH
Nguồn: Báo Khánh Hòa