Review Nha Trang

Phát huy giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố

Ngày 18-7-2024, Thành ủy Nha Trang ban hành Nghị quyết số 30 về phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; xác định phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Hồ Văn Mừng – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang về Nghị quyết số 30.

Ông Hồ Văn Mừng – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang.

* Đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố

– Xin ông cho biết vì sao Thành ủy Nha Trang ban hành Nghị quyết số 30?

– Năm 2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Tổng Bí thư đã yêu cầu “Phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.

Nghị quyết số 30 được ban hành nhằm thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thực hiện Nghị quyết số 34, ngày 22-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hướng tới xây dựng môi trường văn hóa tiên tiến, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng môi trường xã hội trên địa bàn thành phố thật sự văn minh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng thịnh vượng, phong phú; phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội.

Thực tế, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, TP. Nha Trang đã có bước phát triển mạnh mẽ về văn hóa – xã hội. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa thật sự là động lực quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố. Môi trường văn hóa còn tồn tại những yếu tố thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái thuần phong mỹ tục. Mặt bằng dân trí ở một số khu vực chưa đồng đều. Ý thức chấp hành pháp luật, trật tự kỷ cương xã hội của một bộ phận người dân chưa nghiêm. Tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp. Hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố chưa cao. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa cơ sở có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp… Trong bối cảnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang tập trung thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân, là 1 trong 3 vùng kinh tế – xã hội trọng điểm của tỉnh, việc tập trung xây dựng văn hóa, con người Nha Trang đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố thời gian tới là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách.

Lễ hội cầu ngư do UBND TP. Nha Trang tổ chức tháng 3-2024. Ảnh: HOÀI LÊ
Lễ hội cầu ngư do UBND TP. Nha Trang tổ chức tháng 3-2024. Ảnh: HOÀI LÊ

* Phấn đấu thành địa điểm chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa

– Xin ông cho biết những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 30?

– Nghị quyết số 30 xác định, đến năm 2030, 100% cán bộ, đảng viên thành phố thực hiện nghiêm Quy định số 144, ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. 100% học sinh các trường công lập được giáo dục về lịch sử, văn hóa Nha Trang – Khánh Hòa. 100% gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, xã, phường tiêu biểu đảm bảo tiêu chuẩn, thực chất. 100% xã, phường đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. 100% di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố đã xuống cấp được trùng tu, tôn tạo; kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, phối hợp xây dựng các thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố, như: Du lịch sinh thái biển, du lịch thể thao biển, du lịch ẩm thực – nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa – lịch sử; triển khai thí điểm Đề án du lịch cộng đồng tại đảo Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên), tiến tới phát triển mạnh mẽ du lịch văn hóa – cộng đồng. Đồng thời, chăm lo xây dựng văn hóa, con người thành phố gắn kết chặt chẽ với thực hiện hiệu quả các đề án: Đô thị thông minh; Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh TP. Nha Trang; Tổ chức giao thông đường bộ thành phố; Phát triển du lịch cộng đồng…, trong đó tập trung vào kinh tế xanh, giao thông xanh, năng lượng xanh, lối sống xanh. Thành phố sẽ được xây dựng thành nơi chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và quốc tế; tích cực tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, qua đó đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, đa dạng hoạt động văn hóa phục vụ phát triển bền vững, thúc đẩy công nghiệp văn hóa thành phố phát triển, nhất là công nghiệp điện ảnh.

– Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Thành ủy đề ra những giải pháp nào, thưa ông?

– Thành ủy định hướng 9 giải pháp thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 30. Trong đó, thành phố sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng văn hóa, con người thành phố. Thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực văn hóa; kiểm soát chặt chẽ văn hóa ngoại lai; quyết liệt đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, truyền bá tư tưởng sai trái, lệch chuẩn, lối sống trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhất là trên không gian mạng. Thành phố chú trọng phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa xây dựng văn hóa, con người với thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, như: Chương trình phát triển đô thị; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển nguồn nhân lực; Đề án Đô thị thông minh; Đề án Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh TP. Nha Trang; Đề án Tổ chức giao thông đường bộ thành phố; Đề án Phát triển du lịch cộng đồng… Cùng với đó, đầu tư đồng bộ, hài hòa hạ tầng kỹ thuật, văn hóa – xã hội từ đô thị đến nông thôn, vùng đảo, vùng xa trung tâm thành phố; cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa, lịch sử; gắn kết các hoạt động văn hóa, giáo dục, hành chính, khoa học công nghệ, lao động sản xuất… với xây dựng con người; tăng cường xây dựng văn hóa, con người trong môi trường chính trị và kinh tế; chăm lo sự nghiệp văn hóa, giáo dục thành phố; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác, đầu tư của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước; tích cực tham gia hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới…

– Xin cảm ơn ông!

TIỂU MAI (Thực hiện)

Nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »