Review Nha Trang

Kỷ niệm 79 năm Ngày Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến (23-10-1945 – 23-10-2024) : Sáng mãi trang sử hào hùng

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Không lâu sau ngày tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần “Quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, quân và dân Khánh Hòa cùng cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới đầy cam go, thử thách nhưng rất hào hùng.

101 ngày đêm trên tuyến lửa

Thực hiện âm mưu cướp nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945, được quân Anh và Nhật yểm trợ, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn – Chợ Lớn, sau đó đánh ra các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Đầu tháng 10-1945, quân Pháp điều chiến hạm Risơliơ túc trực trên vùng biển Nha Trang. Trong 2 ngày 6-10 và 12-10, chúng đổ bộ gần 1.000 quân lên bãi biển trước Hotel Beau Rivage (nay là số 40, đường Trần Phú, Nha Trang), đồng thời chiếm các vị trí then chốt trong thị xã Nha Trang, tăng cường một số phương tiện chiến tranh. Mục đích thực dân Pháp đánh chiếm sớm Nha Trang – Khánh Hòa nhằm làm bàn đạp, mở rộng tiến công ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời uy hiếp trực tiếp con đường chi viện của các lực lượng miền Bắc, miền Trung vào Nam Bộ. Cho nên vây chặt giặc Pháp lại trong Nha Trang để giữ được con đường chi viện cho Nam Bộ là một yêu cầu bức thiết mà Trung ương đã đặt ra cho các Đảng bộ và chính quyền cách mạng miền Trung, trực tiếp là Đảng bộ, quân và dân Nha Trang – Khánh Hòa.

Hoạt động do Hội đồng Đội TP. Nha Trang tổ chức tại Công viên 23-10.
Hoạt động do Hội đồng Đội TP. Nha Trang tổ chức tại Công viên 23 tháng 10. Ảnh: Vĩnh Thành

Đúng 3 giờ sáng 23-10-1945, lệnh tấn công của quân ta được phát ra từ một khối thuốc nổ mạnh đặt bên ngoài hầm xe lửa số 1. Lập tức một loạt các vị trí quân địch bị lực lượng của ta nổ súng tấn công mãnh liệt như: Khu nhà ga Nha Trang, nhà đèn (Sở điện lực), Sở thuộc (Viện Pasteur), khu Bình Tân… Tại khu vực nhà ga, sau vài phút nổ súng ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu được nhiều vũ khí và trang bị. Tại đây, đồng chí Võ Văn Ký, người chỉ huy lực lượng tự vệ Nha Trang đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh. Ở khu vực nhà đèn, ta phá hủy phần lớn máy móc. Khu vực kho vũ khí Bình Tân, do lực lượng không cân sức, bộ đội ta không chiếm được kho, phải rút lên Đồng Bò trước sự phản kích của địch. Suốt từ 3 giờ sáng 23-10 đến 2 ngày sau đó tiếng súng không lúc nào ngơi. Cuộc tiến công đồng loạt của quân ta vào các vị trí đóng quân của địch gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Thực hiện đúng kế hoạch của Ban Chỉ huy, sau cuộc tiến công đồng loạt tiêu hao địch, quân ta rút về tuyến sau củng cố tổ chức và khẩn trương lập phòng tuyến, tiếp tục bao vây quân địch. Phòng tuyến đầu tiên được hình thành là phòng tuyến Chợ Mới – Bờrôten. Trong vòng một tháng, các lực lượng của ta trên phòng tuyến đã chiến đấu kiên cường, đánh lui tất cả các cuộc phản kích mở vây của quân Pháp. Các lực lượng tự vệ nội thị phối hợp chiến đấu, liên tiếp tổ chức những đợt tấn công chớp nhoáng vào các vị trí trọng yếu của quân Pháp gây cho chúng một số thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Trong 2 ngày 22 và 23-11, quân Pháp tung lực lượng lớn có trọng pháo yểm trợ tấn công phòng tuyến Chợ Mới – Bờrôten. Toàn bộ lực lượng của ta lui về phía sau lập phòng tuyến mới: Phòng tuyến Cây Da – Quán Giếng, cách Nha Trang 6km về phía tây tiếp tục cuộc bao vây giặc Pháp.

Với biết bao khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, quân và dân ta đã bám trụ vững chắc suốt 101 ngày đêm trên tuyến lửa, tổ chức tấn công, quấy rối quân Pháp trong nội thị, đánh lui tất cả các đợt giải vây của địch, tiêu diệt, tiêu hao, kìm giữ chân quân Pháp trong một không gian nhỏ với một thời gian ngắn để bảo đảm cho cả một không gian rộng lớn, các địa phương khác trong cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài là một thắng lợi có ý nghĩa to lớn. Âm mưu chiến lược của thực dân Pháp “đánh nhanh, thắng nhanh” với ý đồ mở rộng địa bàn chiến lược để đánh chiếm Nam Trung Bộ trong một thời gian ngắn, hòng cắt đứt sự chi viện từ Trung ương vào chiến trường Nam Bộ bị thất bại. Với việc bao vây, giam chân quân địch trong thị xã, quân dân Nha Trang – Khánh Hòa đã giải quyết tốt nhiệm vụ vừa giữ vững giao thông thông suốt Bắc – Nam, giữ vững đường tiếp tế chi viện từ Trung ương và các tỉnh miền Bắc cho đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ đang chiến đấu; tạo được thời cơ quý báu cho toàn tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và cả nước tranh thủ củng cố xây dựng thực lực về mọi mặt để sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

Phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương

Phát huy tinh thần hào khí ngày 23-10-1945, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Khánh Hòa tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân, đế quốc xâm lược và các thế lực thù địch giải phóng quê hương, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với cả nước, Khánh Hòa bước vào thời kỳ xây dựng, bảo vệ quê hương và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo và quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, lao động sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách xây dựng phát triển tỉnh nhà.

Một góc TP. Nha Trang hôm nay. Ảnh: MẠNH HÙNG
Một góc TP. Nha Trang hôm nay. Ảnh: MẠNH HÙNG

Gần 50 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân trong tỉnh đã nêu cao bản lĩnh, khí phách anh hùng, đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ, đạt được thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội. Điểm nhấn đó là Đảng bộ tỉnh đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều cơ chế vượt trội giúp khơi thông tiềm năng để tỉnh bứt phá, phát triển.

Qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện. Quy mô kinh tế mở rộng, vượt mốc 100 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố và thứ 4/13 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tiếp tục là 1 trong 18 tỉnh có đóng góp vào ngân sách trung ương. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 20,7%, cao nhất cả nước; năm 2023 tăng 10,24%, đứng thứ 4 cả nước. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm bảo đảm; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được giữ vững.

TP. Nha Trang, nơi diễn ra cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của toàn quân, toàn dân Khánh Hòa, luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà. Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Nha Trang đã nỗ lực phấn đấu, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển thành phố đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh. Nha Trang hiện đang là đô thị năng động của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Diện mạo của thành phố ngày càng khang trang, hiện đại, xứng tầm là đô thị loại I của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch – nghỉ dưỡng, nơi tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế, điểm đến an toàn của du khách trong và ngoài nước.

Kỷ niệm 79 năm Ngày Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến là dịp để chúng ta tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về những trang sử hào hùng của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Âm hưởng hào hùng của sự kiện lịch sử Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến luôn là niềm tự hào, là niềm tin, động lực thôi thúc để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống yêu nước, bản lĩnh và sức mạnh con người Việt Nam, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bứt phá phát triển, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quyết tâm xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

N.D

(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »