Review Nha Trang

Cam Lâm: Chuyển biến trong quản lý tài nguyên khoáng sản

 Cam Lâm: Chuyển biến trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Ngày 2-12-2021, Huyện ủy Cam Lâm ban hành Nghị quyết số 10 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, tình trạng khai thác khoáng sản (KTKS) trái phép trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể.

 

Nhiều chuyển biến tích cực

Những năm trước, tình trạng KTKS trái phép ở Cam Lâm diễn ra hết sức phức tạp với mọi quy mô và nhiều hình thức, hình thành nhiều “điểm nóng”. Tuy chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng tình trạng này chưa được giải quyết triệt để. Nghị quyết số 10 ra đời rất kịp thời, bám sát tình hình thực tế, phân công trách nhiệm của cá nhân, tập thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nên đã tạo nhiều chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên.

Một số mỏ đất, đá ở huyện Cam Lâm từng diễn ra tình trạng  khai thác khoáng sản trái phép nay đã được ngăn chặn.

Một số mỏ đất, đá ở huyện Cam Lâm từng diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nay đã được ngăn chặn.

 

Ông Ngô Văn Bảo – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết số 10, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện; thành lập các đoàn kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc KTKS trái phép tại các địa phương. UBND các xã, thị trấn cũng xây dựng kế hoạch và tăng cường công tác kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai, nhất là xử lý các trường hợp KTKS trái phép.

Theo ghi nhận của phóng viên, trước đây, khu vực hồ Tà Lua (xã Cam Hiệp Nam) từng là “điểm nóng” về khai thác đất trái phép. Hiện nay, tại khu vực này, chính quyền địa phương đã dựng barie và các bảng tuyên truyền cấm KTKS, ghi rõ mức phạt đối với các hành vi vi phạm. Một số điểm trước đây người dân tự ý khai thác ở các xã như: Cam An Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Tân, Cao Hòa… nay đã không còn dấu vết mới, thực bì đã phủ xanh. Những con đường đất trước đây do các đối tượng tự mở để xe vận chuyển chở đất nay chính quyền địa phương đã đóng lại.

Được biết, trên địa bàn huyện có 2 đơn vị đang hoạt động KTKS được cấp có thẩm quyền cho phép; 1 đơn vị ký hợp đồng đang thực hiện việc nạo vét và thu hồi khoáng sản ở hồ Suối Dầu. Với số lượng mỏ được cấp phép KTKS ít nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vật liệu để xây dựng trên địa bàn. Vì vậy, có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng lén lút KTKS trái phép.

 

Tiếp tục triển khai quyết liệt

Theo báo cáo của Huyện ủy Cam Lâm, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 10, một số vụ việc vi phạm đã được giải quyết dứt điểm, đạt hiệu quả. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, để xảy ra tình trạng KTKS chậm xử lý, chậm báo cáo cấp trên; có xử lý vi phạm nhưng không triệt để, chưa có tính răn đe, xử lý qua loa, chưa có biện pháp khắc phục hậu quả…

Huyện ủy Cam Lâm đã yêu cầu UBND huyện, UBND các xã, thị trấn tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích và KTKS trái phép trên địa bàn; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận và các đoàn thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với việc thực hiện Nghị quyết số 10. Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên; tập trung lực lượng kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản.

UBND huyện đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, tập trung có trọng điểm đối với một số địa phương để xảy ra tình trạng KTKS trái phép còn tồn tại. UBND huyện cũng giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các phòng, ban có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính về đất đai, tài nguyên khoáng sản; có biện pháp xử lý mang tính răn đe như phạt bổ sung hay tịch thu tang vật; thường xuyên phối hợp với Công an huyện kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm manh động, chống đối. Cùng với đó, tham mưu UBND huyện tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phân bổ về cấp huyện, cấp xã theo quy định…

 

Từ khi triển khai Nghị quyết số 10 đến nay, UBND huyện đã xử lý và chỉ đạo UBND các địa phương xử lý dứt điểm 95 trường hợp vi phạm liên quan đến KTKS trái phép với số tiền nộp phạt hơn 221 triệu đồng, tịch thu 2 máy đào, 2 phương tiện hút cát, tước phù hiệu 2 phương tiện vận tải… Hiện nay, còn 4 trường hợp KTKS trái phép đang trong quá trình giải quyết.

__________________________________________________

Ông Trần Xuân Tây – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cam Lâm: Sau khi Nghị quyết số 10 được ban hành, công tác quản lý hoạt động khoáng sản có nhiều chuyển biến tích cực; tình trạng KTKS trái phép tại các địa bàn trọng điểm đã giảm đi rất nhiều. Thời gian tới, Huyện ủy sẽ tiếp tục quán triệt, chỉ đạo UBND huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhận thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên. UBND huyện cũng cần chỉ đạo các ngành chức năng rốt ráo, quyết liệt hơn nữa, cương quyết xử lý những trường hợp cố tình KTKS trái phép.

T.THỊNH – M.HÙNG

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »