Điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh: Cần gắn với định hướng phát triển tỉnh
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề xuất đồ án điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Cam Ranh. Ở góc độ địa phương, UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất sự cần thiết của việc điều chỉnh quy hoạch cảng, nhưng đề nghị Bộ GTVT xem xét một số vấn đề cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc điều chỉnh là phù hợp
Theo quy hoạch Cảng HKQT Cam Ranh, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009, lượng khách tiếp nhận qua cảng năm 2020 khoảng 5,5 triệu hành khách/năm; đến năm 2030 tiếp nhận đạt 8 triệu hành khách/năm. Thực tế, chỉ trong năm 2019, Cảng HKQT Cam Ranh đã đón 10 triệu lượt khách qua cảng, trong đó có 3,5 triệu khách quốc tế, vượt xa so với quy hoạch được duyệt. Với sự tăng trưởng nhanh, nhiều hạng mục công trình bị quá tải và lượng khai thác thực tế vượt xa so với dự báo nên việc điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Cam Ranh là cần thiết.
Sân bay Cam Ranh.
Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021, dự báo nhu cầu vận tải hành khách thông qua Cảng HKQT Cam Ranh đến năm 2030 sẽ là 28,1 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 tăng lên 36 triệu hành khách/năm. Đồng thời, cảng được quy hoạch với công suất dự kiến 25 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 tăng lên 36 triệu hành khách/năm. Như vậy, đồ án điều chỉnh quy hoạch cảng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không và sân bay toàn quốc.
Góp ý cho quy hoạch nói trên, UBND tỉnh cho rằng, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không và sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa cập nhật định hướng phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; Quyết định số 451 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong và một số văn bản liên quan.
Cần cập nhật đường băng số 3
Tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa vào tháng 4-2022, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nghiên cứu quy hoạch đường băng số 3 Cảng HKQT Cam Ranh để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, việc đầu tư cần được xem xét, nghiên cứu vào thời điểm thích hợp. Như vậy, việc nghiên cứu phương án phát triển bổ sung đường băng số 3 Cảng HKQT Cam Ranh là phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cảng thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thì thời điểm triển khai đường băng số 3 sẽ vào giai đoạn 2065-2070 hoặc khi có nhu cầu. Vì vậy, nếu bây giờ quy hoạch bổ sung đường băng số 3 sẽ vượt qua thời kỳ đề ra trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch.
Ngoài ra, UBND tỉnh cho rằng, việc bổ sung quy hoạch đường băng số 3 theo phương án được chọn sẽ chiếm diện tích đất lớn, khoảng 344,37ha. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh, quốc phòng và đất phát triển kinh tế – xã hội của khu vực. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam cần xem xét ý kiến của các đơn vị quốc phòng liên quan. Mặt khác, vị trí đường băng số 3 có một phần diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt năm 2019. Do đó, UBND tỉnh đề nghị Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát và cập nhật Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được triển khai thực hiện.
Ngày 21-7, Văn phòng Tỉnh ủy có thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về nội dung góp ý hồ sơ báo cáo giữa kỳ điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Cam Ranh. Theo đó, việc bổ sung đường băng số 3 nhằm nâng cao, tạo thuận lợi để khai thác hiệu quả công suất của cảng, không lấy việc nâng công suất làm mục tiêu chính; không làm ảnh hưởng đến các công trình quốc phòng mà Bộ Quốc phòng không cho phép; đảm bảo các điều kiện về an toàn bay theo quy định; đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đối với các dự án dân sự được cơ quan có thẩm quyền đồng ý triển khai thực hiện. ___________________________________________________________________ Phương án đề xuất đường băng số 3 do đơn vị tư vấn thiết kế chọn: Đường băng số 3 cách đường băng số 2 là 2.050m, chiều dài tối đa đường băng 3.800m. Năng lực khai thác khu bay là 98 lần cất hạ cánh/giờ, lưu lượng hoạt động máy bay 570.000 lần cất hạ cánh/năm. Tổng công suất khai thác tối đa khu bay đạt khoảng 75 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, phương án này ảnh hưởng nhiều đến diện tích đất quốc phòng, đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. |
THÀNH NAM