Review Nha Trang

Gắn kết văn hóa với du lịch – Kỳ cuối: Các địa phương cùng vào cuộc

Phát triển du lịch Khánh Hòa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là định hướng được tỉnh đặt ra cho lộ trình đến năm 2030. Vì vậy, để văn hóa và du lịch có sự gắn kết chặt chẽ hơn, chính quyền các địa phương đã có những chính sách thúc đẩy mối quan hệ các bên.

Cộng đồng trách nhiệm

TP. Nha Trang có điều kiện khá thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo. Bên cạnh những tài nguyên tự nhiên, thành phố còn có nhiều tài nguyên du lịch văn hóa là kết quả của quá trình sáng tạo, phát triển của những thế hệ người dân Nha Trang. Đó là các công trình kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử văn hóa có giá trị, với hệ thống các đình, đền, chùa, tháp, miếu… vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Cộng đồng người dân sinh sống ở thành phố sở hữu những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Tuy nhiên, cho đến nay, những giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống được các chuyên gia đánh giá chưa khai thác một cách hiệu quả, tương xứng, chưa thực sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Chính vì thế, từ đầu năm 2024, UBND TP. Nha Trang đã thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn TP. Nha Trang”. Trong đó, thành phố xác định những giá trị văn hóa, lịch sử cốt lõi trên địa bàn, hướng tới bảo tồn, phát huy, khai thác một cách hiệu quả, hợp lý, bền vững những giá trị này trong phát triển du lịch; gia tăng sự hấp dẫn từ những giá trị văn hóa, lịch sử, nếp sống và phong tục của cộng đồng người dân sinh sống tại Nha Trang đối với khách du lịch, góp phần gia tăng lượng khách du lịch đến thành phố nói chung và lượng khách đến với mục đích trải nghiệm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử nói riêng lên từ 30 đến 50%. Đồng thời, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư của thành phố, thu hút sự tham gia của người dân vào các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao nhận thức và đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Di tích thành cổ Diên Khánh được định hướng là trung tâm kết nối các tuyến du lịch văn hóa.
Di tích Thành cổ Diên Khánh được định hướng là trung tâm kết nối các tuyến du lịch văn hóa.

Trong thời gian qua, UBND huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số của địa phương. Theo đó, huyện đã tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư, công ty lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch. Qua đó, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm du lịch, loại hình văn hóa, ẩm thực đặc trưng của địa phương. Huyện cũng xác định bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện nhằm nâng cao mức độ hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, nông nghiệp và du lịch cộng đồng; tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bà Ca Tông Thị Mến – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Sở Du lịch, một số doanh nghiệp trong việc giới thiệu, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ trong chuỗi liên kết du lịch cộng đồng, bởi đây là cách thức để địa phương thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc”.

Theo ông Nguyễn Tấn Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, định hướng phát triển du lịch của địa phương là sẽ triển khai xây dựng, hình thành các tour du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử, ẩm thực với các điểm đến là làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa, lịch sử. Trong đó, Thành cổ Diên Khánh được xác định là trung tâm kết nối các tuyến du lịch văn hóa; văn miếu Diên Khánh là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống hiếu học của nhân dân; di tích Am Chúa hình thành điểm tham gia lễ hội, tìm hiểu tín ngưỡng dân gian gắn với truyền thuyết về Thiên Y A Na; đền thờ Trần Quý Cáp, miếu Trịnh Phong được khai thác, phát huy giá trị về giáo dục truyền thống, niềm tự hào lịch sử của quê hương… Bên cạnh đó là các mô hình du lịch trải nghiệm hoạt động làng quê, tham quan làng nghề truyền thống. Địa phương cũng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư cho du lịch với những điều kiện thực hiện cơ chế, chính sách theo quy định.

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được UBND tỉnh ban hành ngày 29-11-2021, trong định hướng tổ chức không gian du lịch của tỉnh có nhấn mạnh nội dung phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, du lịch tâm linh… Để hiện thực được điều đó, cần sự gắn kết đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch thông qua việc kết nối các tour, tuyến, điểm; liên kết vùng gắn với các sự kiện, lễ hội; sản phẩm nghỉ dưỡng biển gắn với dòng sản phẩm di sản khai thác và phát huy giá trị văn hóa vùng miền; phát huy các loại hình du lịch cộng đồng vùng biển, hải đảo và vùng núi nơi có tiềm năng du lịch nhưng cuộc sống còn khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch: Du lịch Khánh Hòa đang thiếu các tour khám phá văn hóa địa phương. Chính vì vậy, tỉnh khuyến khích phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, ngành nghề truyền thống… Sở Du lịch cũng đang khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch; sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nha Trang và các địa phương khác cũng xây dựng những đề án phát triển du lịch theo hướng phát huy giá trị di sản văn hóa và ngành nghề truyền thống.

Tăng cường sự liên kết

Nghị quyết số 34, ngày 22-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra các mục tiêu cụ thể về liên kết du lịch với văn hóa như: Xây dựng 3 chương trình phát triển du lịch văn hóa tại 3 địa phương trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc xây dựng “Đề án về du lịch văn hóa của tỉnh”; hoàn thành việc xây dựng Bảo tàng Trường Sa (huyện Cam Lâm), nghiên cứu bố trí quỹ đất và khởi công xây dựng mới công trình Bảo tàng tổng hợp tỉnh (Nha Trang); chuyển đổi công năng theo từng giai đoạn Trung tâm Hội nghị tỉnh (số  46 Trần Phú, Nha Trang) thành Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật tỉnh; tiến hành phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu, đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Đến năm 2030, hoàn thành việc xây dựng mới và đưa vào hoạt động có hiệu quả các thiết chế văn hóa trọng điểm của tỉnh, gồm: Bảo tàng Alexandre Yersin; Bảo tàng tổng hợp tỉnh; Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật tỉnh; đưa du lịch văn hóa trở thành một trong các dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch tỉnh.

Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh biểu diễn văn nghệ truyền thống trong lễ mừng lúa mới.
Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh biểu diễn văn nghệ truyền thống trong lễ ăn mừng lúa mới.

Theo ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Nghị quyết số 34 đã nêu ra các nhóm giải pháp cụ thể. Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh đã tập trung triển khai các nhóm giải pháp đó vào thực tiễn hoạt động. Trong đó, đối với nhóm giải pháp “Nghiên cứu, lựa chọn các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững”, Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị, địa phương liên quan đã từng bước đầu tư thiết bị công nghệ nhằm tăng hiệu ứng của di sản văn hóa, nhất là các di tích đang được khai thác du lịch; ứng dụng công nghệ thực tế ảo (công nghệ 3D) phục vụ nhu cầu của du khách trong tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng hay các di tích; nâng cao chất lượng những sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc của Khánh Hòa như du lịch tham quan di tích, làng nghề truyền thống, du lịch lễ hội, hội chơi bài chòi, trình diễn nghệ thuật đàn đá Khánh Sơn, tái hiện lễ hội Cầu ngư…

Ngành cũng tập trung nguồn lực xây dựng các điểm du lịch có tài nguyên du lịch văn hóa hấp dẫn gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh như: Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng, Thành cổ Diên Khánh, văn miếu Diên Khánh, lăng Bà Vú, địa điểm lưu niệm Tàu C235…; tuyển chọn, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên có chất lượng tại các điểm di tích lịch sử văn hóa đang được khai thác phục vụ du lịch; khảo sát, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình giao thông công cộng và điểm dừng chân đến các điểm di tích quan trọng của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bằng những chính sách ưu đãi thu hút vốn để phát triển du lịch, ưu tiên đầu tư cho các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, các công trình vui chơi giải trí đảm bảo tiêu chuẩn tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh…

GIANG ĐÌNH

Nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »