Review Nha Trang

Giáo dục truyền thống qua di sản văn hóa

 Giáo dục truyền thống qua di sản văn hóa

Ngày 31-10, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã ban hành kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên (HS-SV) thông qua di sản văn hóa năm thứ nhất (2022 – 2023). Đây có thể xem là cơ sở để các ngành, địa phương tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cho HS-SV hiệu quả, đồng bộ hơn.

 

Việc giáo dục truyền thống cho HS-SV thông qua di sản văn hóa được xem là một trong những cách thức nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Chính vì thế, Bộ VH-TT-DL yêu cầu các bảo tàng, trung tâm bảo tồn di tích cấp tỉnh chủ động triển khai các hoạt động một cách phù hợp với định hướng về hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với chương trình giáo dục hiện hành. Bộ cũng yêu cầu các sở văn hóa và thể thao tiến hành việc xây dựng, ký kết kế hoạch phối hợp về giáo dục truyền thống cho HS-SV thông qua di sản văn hóa với sở giáo dục và đào tạo tại địa phương. Từ tháng 1 đến tháng 5-2023, các bảo tàng cấp tỉnh phải triển khai mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử tại các bảo tàng”; từ tháng 3 đến tháng 7-2023, triển khai thí điểm mô hình “Giờ học lịch sử online” tại một số bảo tàng cấp tỉnh có đủ điều kiện về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật công nghệ…

Một buổi tham quan Bảo tàng tỉnh của học sinh Trường THCS Trần Quang Khải (huyện Diên Khánh) vào đầu năm 2022.

Một buổi tham quan Bảo tàng tỉnh của học sinh Trường THCS Trần Quang Khải (huyện Diên Khánh) vào đầu năm 2022.

 

Trên thực tế, việc phối hợp với các trường học đưa HS-SV đến tham quan, tìm hiểu di sản văn hóa đã được Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa thực hiện với nhiều hoạt động, cách thức phù hợp. Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các trường đưa HS đến tham quan hoặc đưa các tư liệu, hình ảnh về di sản văn hóa đến giới thiệu tại các trường. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tổ chức chương trình tham quan di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng dành cho HS các trường. Qua mỗi lần tham quan, sinh hoạt ngoại khóa tại di tích, bảo tàng, các em HS-SV cảm nhận, hiểu biết nhiều hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa được lưu dấu trên các công trình, hiện vật. “Được tận mắt nhìn ngắm các di sản văn hóa và nghe lời giới thiệu của các thuyết minh viên, em đã biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Đây cũng là nguồn thông tin cần thiết để em có thể vận dụng vào việc học tập của mình”, em Thiên Duyên, HS Trường THCS Cao Bá Quát (TP. Nha Trang) cho biết.

Thế nhưng, hoạt động này chưa mang tính thường xuyên, định kỳ và chưa có kế hoạch phối hợp cụ thể giữa Sở Văn hóa và Thể thao với Sở Giáo dục và Đào tạo, hoặc giữa các đơn vị bảo tàng, trung tâm bảo tồn di tích với các địa phương, trường học. Ông Nguyễn Thanh Phong – Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, thời gian qua để thu hút khách đến tham quan bảo tàng, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, trong đó có việc phối hợp với các trường học đưa HS-SV đến tham quan. Đây là hoạt động xuất phát từ nhu cầu thực tế của bảo tàng cũng như các trường. Kế hoạch của Bộ VH-TT-DL là rất cần thiết, trên thực tế trước khi có văn bản của bộ, Bảo tàng tỉnh cũng đang xây dựng nội dung kế hoạch phối hợp với TP. Nha Trang trong việc đưa HS đến tham quan, học tập tại bảo tàng.

 

Ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Thời gian tới, sở sẽ ký kết kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác giáo dục truyền thống cho HS-SV thông qua di sản văn hóa. Cùng với đó, chỉ đạo Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể về nội dung, thời gian, hình thức tổ chức các hoạt động tham quan, học tập và trải nghiệm tại bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, bảo đảm phù hợp theo từng cấp học và phối hợp với các đơn vị của ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai thực hiện.

Giang Đình

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »