Review Nha Trang

Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa: Hướng tới kho bạc số

 Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa: Hướng tới kho bạc số

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 theo Quyết định 455 của Thủ tướng Chính phủ lấy công nghệ thông tin là khâu đột phá, cải cách cơ chế, quy trình nghiệp vụ là nền tảng; trong đó chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện. Cùng với toàn hệ thống, KBNN Khánh Hòa đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới xây dựng kho bạc số. 

Công chức Phòng Kế toán nhà nước, Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa thao tác trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: K.N

Công chức Phòng Kế toán nhà nước, Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa thao tác trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: K.N

 

Hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ

Với mong muốn đem lại nhiều thuận lợi hơn nữa trong các hoạt động nghiệp vụ, giúp giảm áp lực công việc cho công chức kho bạc cũng như để tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch, trong thời gian qua, KBNN Khánh Hòa đã triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình hiện đại hóa của ngành.

Về thu ngân sách nhà nước (NSNN), triển khai Dự án hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa Thuế – Hải quan – KBNN, KBNN Khánh Hòa đã mở rộng ủy nhiệm thu và phối hợp thu NSNN với 10 ngân hàng thương mại cổ phần. Qua triển khai thực hiện cho thấy, việc truyền dữ liệu điện tử từ cơ quan kho bạc sang cơ quan Thuế, Tài chính, Hải quan kịp thời, khớp đúng; việc phối hợp thu NSNN thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, để tập trung nhanh nguồn thu NSNN, KBNN Khánh Hòa đã thực hiện mở tài khoản thanh toán ngoại tệ USD tại Vietcombank Khánh Hòa; bổ sung thu qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; thu qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công cấp bộ, tỉnh; triển khai diện rộng truyền nhận thông tin hoàn trả NSNN điện tử giữa cơ quan Thuế và KBNN. Nhờ đó, mạng lưới tài khoản chuyên thu từng bước được mở rộng, đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong thu NSNN, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc nộp, theo dõi thông tin nộp NSNN trực tuyến mọi lúc, mọi nơi và giảm thiểu chi phí tổ chức thu NSNN…

Đối với kiểm soát chi NSNN, KBNN Khánh Hòa đã triển khai ứng dụng công nghệ cung cấp đầy đủ thông tin cam kết chi NSNN phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hàng năm; thống nhất đầu mối, quy trình và số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua kho bạc. Đồng thời, đổi mới phương thức kiểm soát chi theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với việc phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách. Nhờ đó, đã rút ngắn thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành theo hình thức thanh toán trước, kiểm soát sau theo đúng quy trình quy định.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và thực hiện tốt liên thông các ứng dụng nghiệp vụ, KBNN Khánh Hòa triển khai thực hiện chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống Dịch vụ công trực tuyến KBNN. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có thể kết nối, tích hợp dữ liệu trực tiếp từ phần mềm ứng dụng của đơn vị vào hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, giúp giảm thiểu việc nhập, xử lý dữ liệu trùng lặp nhiều lần. Qua đó, tăng cường trải nghiệm của người dùng, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của KBNN, đồng thời giảm tải cho hệ thống Dịch vụ công trực tuyến KBNN. Nhờ đó, KBNN Khánh Hòa xử lý được số lượng chứng từ chi NSNN qua dịch vụ công trực tuyến trung bình từ 4.200 đến 4.500 chứng từ/ngày, những ngày cao điểm từ 5.000 đến 5.500 chứng từ/ngày. Đặc biệt, đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách đã cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của KBNN.

Từ tháng 7-2022, KBNN Khánh Hòa triển khai Chương trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN. Chương trình cho phép cán bộ kiểm soát chi có thể quản lý được chi tiết các lần thanh toán; hỗ trợ cung cấp nhanh chóng, kịp thời và chính xác số liệu giải ngân vốn đầu tư công qua KBNN giúp KBNN, chính quyền các cấp có đầy đủ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

 

Thực hiện lộ trình hướng tới kho bạc số

Hướng tới mục tiêu trở thành kho bạc số, KBNN xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của KBNN phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử; trong đó Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số đóng vai trò cốt lõi, có sự kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống khác có liên quan. Việc thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống KBNN hướng tới việc cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng sử dụng ngân sách có giao dịch với KBNN. Cụ thể, trong lĩnh vực thu ngân sách, người nộp thuế có thể sử dụng nhiều phương thức thanh toán điện tử của ngân hàng để nộp trực tiếp vào tài khoản của kho bạc, không thực hiện nộp tiền mặt. Trong lĩnh vực chi ngân sách, các đơn vị sử dụng ngân sách sẽ gửi hồ sơ thông qua phương thức điện tử thay cho phương thức thủ công hiện nay là đến tận trụ sở kho bạc để nộp hồ sơ.

Để cùng hệ thống KBNN thực hiện mục tiêu trở thành kho bạc số, KBNN Khánh Hòa đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức các đơn vị, tổ chức, cá nhân có giao dịch với kho bạc về định hướng, bước đi, mục tiêu đề ra để nâng cao nhận thức, chủ động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực hiện kho bạc số. Đồng thời, thực hiện tốt liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến – Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) – thanh toán song phương điện tử – Chương trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN; tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị, tổ chức, cá nhân giao dịch với kho bạc và phản hồi kịp thời để KBNN hoàn thiện liên thông dữ liệu số. Trên cơ sở đó, KBNN mở rộng kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của các bộ, ngành, các đơn vị có liên quan trong kiến trúc tổng thể về Chính phủ số; hoàn thiện các hệ thống và giải pháp an toàn bảo mật, dự phòng rủi ro, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin luôn được vận hành an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống.

 

Nguyễn Đức Mạo

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »