Review Nha Trang

Không có hiện tượng tăng giá theo lương

 Không có hiện tượng tăng giá theo lương

Thông thường, cứ mỗi khi Nhà nước điều chỉnh tăng lương, giá cả hàng hóa trên thị trường lại tăng theo và gây áp lực lên chi tiêu của người dân. Thế nhưng, đối với lần điều chỉnh tăng lương này, đến nay, trên địa bàn TP. Nha Trang, giá cả hàng hóa tương đối ổn định.

Giá cả hàng hóa tại chợ tương đối ổn định

Những ngày qua, chúng tôi ghi nhận thực tế tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Nha Trang, hàng hóa được bày bán rất dồi dào và đa dạng, không có hiện tượng “té nước theo mưa” như những lần điều chỉnh tăng lương trước. Hiện nay, giá một số mặt hàng hải sản, thịt heo, bò có giảm nhẹ so với thời điểm cuối tháng 4 (thời điểm tăng giá đột biến) nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, thịt heo ba chỉ có giá 130.000 – 170.000 đồng/kg, sườn heo dao động 150.000 – 160.000 đồng/kg; nạc thăn 120.000 – 130.000 đồng/kg; thịt bò loại 1 có giá 260.000 – 280.000 đồng/kg; thịt gà ta 90.000 – 120.000 đồng/kg. Giá cá bớp 170.000 đồng/kg nguyên con, cắt lát 250.000 đồng/kg; cá thu cắt lát 220.000 đồng/kg, nguyên con 160.000 đồng/kg; cá dìa 140.000 đồng/kg; cá chim trắng 160.000 – 180.000 đồng/kg; tôm biển 200.000 – 350.000 đồng/kg; mực lá tươi từ 320.000 đến 350.000 đồng/kg tùy size… Bà Miên – tiểu thương ngành hàng hải sản chợ Xóm Mới cho biết: “Tuy giá các mặt hàng hải đã giảm nhẹ so với cuối tháng 4 nhưng vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân do nhu cầu các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch tăng nên hút hàng, còn việc tăng lương lần này không tác động gì đến giá cả thị trường như những kỳ điều chỉnh lương trước đây”.

Sạp hàng bán thịt bò tại chợ Xóm Mới.
Sạp hàng bán thịt bò tại chợ Xóm Mới.

Thời gian qua, giá các loại rau củ đã giảm đáng kể so với cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Hiện nay, rau muống, khoai lang, rau dền, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, rau ngót… có giá 8.000 – 10.000 đồng/bó; cà chua 20.000 – 30.000 đồng/kg; bí xanh, bí đỏ, bầu, mướp… dao động 10.000 – 20.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, nguyên nhân giá một số loại rau củ giảm do gần đây không còn nắng gắt nhiều, một số địa phương đã có mưa, các vùng trồng tăng diện tích, cây sinh trưởng tốt nên đã tăng sản lượng, nguồn cung nhiều hơn, trong khi nhu cầu thị trường ổn định nên các tiểu thương chợ đầu mối đã giảm giá bán.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Trưởng ban Quản lý chợ Xóm Mới, TP. Nha Trang cho biết: “Trước đây, mỗi lần công chức, viên chức, người lao động được tăng lương, các tiểu thương đều rục rịch tăng giá bán hàng hóa, thậm chí tăng trước khi lương tăng. Lần này, tuy lương được tăng khá cao nhưng giá cả hàng hóa tại chợ tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá. Ban Quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở tiểu thương bán hàng hóa đúng giá, không nên lợi dụng tình hình biến động thị trường để thu lợi”.

Không để tình trạng “té nước theo mưa”

Từ đầu tháng 7, lương cơ sở bắt đầu được tăng lên 30% – mức tăng cao nhất từ trước đến nay là tin vui của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại vì mỗi đợt điều chỉnh tăng lương đã xuất hiện tình trạng tiểu thương “té nước theo mưa”, thậm chí lương chưa kịp tăng giá hàng hóa đã tăng.

Không thuộc đối tượng được hưởng chính sách tăng lương nên bà Hoa (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) cũng như nhiều người lao động tự do khác rất lo lắng vì sợ giá cả hàng hóa tăng, chi phí sinh hoạt của gia đình bị đội lên. Bà Hoa chia sẻ: “Chúng tôi là lao động tự do, vốn dĩ không quan tâm lương Nhà nước tăng hay giảm. Tuy nhiên, mỗi lần nghe lương của cán bộ, công chức tăng, sau đó giá cả hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người lao động như chúng tôi. Lần này, tuy giá chưa tăng theo lương nhưng vốn dĩ các mặt hàng thực phẩm đã tăng mạnh trước đó nên dù đã giảm vẫn còn ở mức cao, trong khi thu nhập của chúng tôi không tăng nên cuộc sống vẫn rất khó khăn. Trước đây, mỗi ngày tôi tính toán chi phí đi chợ cho 4 người trong gia đình khoảng 170.000 – 200.000 đồng nhưng nay đã tăng lên 250.000 đồng dù rất tiết kiệm, chưa kể tiền điện, tiền gas, xăng xe, gạo… cái gì cũng tăng”. Chị Ngọc Ánh – nhân viên y tế của một bệnh viện trên địa bàn TP. Nha Trang cho biết: “Mấy ngày qua, tôi đi chợ thấy giá cả vẫn như tuần trước nhưng không biết sắp tới sẽ thế nào. Tôi mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tránh tình trạng “té nước theo mưa” làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương”.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 6 tăng 0,1% so với tháng 5. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,7%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,13%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,41%; văn hóa, giải trí và dịch vụ du lịch tăng 0,28%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%. Có 2 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm là: Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01%; giao thông giảm 3,04%. Các nhóm đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông và giáo dục có chỉ số giá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,08%; nhóm lương thực tăng 20,42% (trong đó tăng mạnh nhất là gạo, tăng 24,86%); nhóm thực phẩm tăng 1,31% ở các mặt hàng: Thịt heo, thịt vịt, thịt gà, thủy sản tươi sống…

Có thể thấy, chỉ số giá tiêu dùng tăng tập trung ở các nhóm thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Do đó, thời gian tới, ngoài nỗ lực thực hiện các giải pháp ổn định thị trường của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá hàng hóa; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá.

C.VÂN

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »