Những sắc màu nghệ thuật quần chúng
Từ ngày 17 đến 19-7, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Diên Khánh diễn ra Hội thi Nghệ thuật quần chúng (NTQC) tỉnh Khánh Hòa lần thứ 17. Các đoàn mang đến chương trình thi diễn những tiết mục đa dạng màu sắc văn hóa nghệ thuật, thể hiện được thế mạnh của mỗi đơn vị, địa phương.
Nhiều tiết mục ấn tượng
Hội thi năm nay có sự tham gia của 9 đoàn NTQC đến từ 8 huyện, thị xã, thành phố, cùng đoàn NTQC Hội Cựu chiến binh tỉnh. Các đoàn đã mang đến hội thi hơn 310 ca sĩ, diễn viên không chuyên và gửi tới khán giả 48 tiết mục ca, múa, nhạc, tiểu phẩm có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ; thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; truyền thống anh hùng dân tộc; khát vọng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung; tuyên truyền về chủ quyền biên giới, hải đảo Việt Nam; ngợi ca tinh thần lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc… Những nội dung trên được các đoàn thể hiện dưới những phong cách nghệ thuật đa dạng, mang màu sắc âm hưởng nghệ thuật dân gian đương đại, được dàn dựng theo phong cách hiện đại, sôi nổi. Cũng có nhiều tiết mục sử dụng hoàn toàn chất liệu âm nhạc truyền thống tuồng, đờn ca tài tử, bài chòi…
Ở đó, khán giả được thưởng thức những tiết mục mang màu sắc văn hóa núi rừng cao nguyên qua phần thi diễn của đoàn NTQC huyện Khánh Sơn với màn múa độc lập “Tiếng vọng đại ngàn” cùng tiết mục đơn ca “Đàn đá đêm nay”. Đoàn NTQC huyện Khánh Vĩnh cũng gây ấn tượng mạnh với những tiết mục: “Tiếng đàn goong lú”, “Bập bùng đêm hội Raglai”, “Lên cao nguyên đi anh”… Với thế mạnh về nghệ thuật dân gian, dân tộc, đoàn NTQC thị xã Ninh Hòa tạo ấn tượng qua tiết mục múa độc lập “Hương quê”, trích đoạn cải lương “Tiếng trống Mê Linh”. Hai đoàn NTQC huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh lại mang đến chương trình nhiều tiết mục có nội dung về biển đảo, Trường Sa – Hoàng Sa như: “Đá Trường Sa”, “Tổ quốc Trường Sa”, “Sóng biển” (Cam Lâm), “Truyền thuyết Hoàng Sa – Trường Sa”, “Yết Kiêu thời đại Hồ Chí Minh”, “Gần lắm Trường Sa” (Cam Ranh). Các ca sĩ, diễn viên không chuyên đến từ huyện Vạn Ninh với chương trình nghệ thuật thể hiện sự hào hùng, tự hào về truyền thống đất nước: “Thịnh vượng Việt Nam sáng ngời”, “Non sông ngàn năm gấm vóc”, “Cội nguồn đất Việt”… Đặc biệt, tiết mục ca cảnh bài chòi “Trong tôi có Đảng soi đường” nhận được nhiều thiện cảm từ các thành viên Ban Giám khảo. Đoàn NTQC TP. Nha Trang gây ấn tượng với khán giả ngay từ tiết mục “Nha Trang – Khánh Hòa theo chân Bác”. Màn song tấu đàn tranh “Để Mị nói cho mà nghe” cũng được khán giả yêu thích… “Đây là lần đầu tôi được xem nhiều đoàn NTQC biểu diễn như vậy. Chương trình của các đoàn đều có sự đầu tư dàn dựng công phu, trang phục đẹp. Các ca sĩ, diễn viên thể hiện tương đối tốt phần thi của mình”, bà Nguyễn Thị Xinh (thị trấn Diên Khánh) cho biết.
Góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở
Hội thi NTQC tỉnh diễn ra 2 năm một lần. Đây là dịp để những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật đánh giá, nhìn nhận lại phong trào NTQC của các địa phương, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Thông qua hội thi còn giúp phát hiện những tài năng nghệ thuật để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở. “Suốt những ngày qua, các thành viên trong đoàn NTQC của huyện đã tích cực dàn dựng, tập luyện chương trình tham gia hội thi với nội dung tư tưởng phù hợp với yêu cầu của Ban tổ chức, năng lực của địa phương. Sau khi hoàn thành phần thi diễn, chúng tôi cũng nhìn nhận ra được những vấn đề để có thể phục vụ khán giả tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Kim – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, hội thi năm nay, các đoàn NTQC đã mang đến những tiết mục có chất lượng nghệ thuật tốt thông qua việc sử dụng nhiều tác phẩm mới với nội dung ca ngợi quê hương đất nước, địa phương và đơn vị mình. Nhiều chương trình và tiết mục đã thể hiện được ý tưởng dàn dựng sáng tạo, độc đáo. Đặc biệt, nhiều đoàn cho thấy sự quan tâm đến vốn văn hóa nghệ thuật dân gian, dân tộc thông qua việc thể hiện các tiết mục mang màu sắc nghệ thuật truyền thống, bản sắc văn hóa xứ Trầm Hương. Qua hội thi cho thấy những tín hiệu tích cực từ phong trào văn hóa nghệ thuật ở các địa phương, đơn vị, từ đó tiếp thêm động lực để những ca sĩ, diễn viên không chuyên ở cơ sở duy trì, nuôi dưỡng đam mê và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Ông Đặng Quốc Văn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Thời gian qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần và tạo sự đoàn kết trong nhân dân. Hội thi NTQC được tổ chức định kỳ nhằm đánh giá và tiếp tục đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Trước khi diễn ra hội thi cấp tỉnh, ở nhiều địa phương đã tổ chức hội thi cấp huyện, tạo nên phong trào tập luyện, biểu diễn văn nghệ sôi nổi ở các xã, phường, thị trấn.
GIANG ĐÌNH