Review Nha Trang

Phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt

 Phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030. Đây là hướng đi nhằm góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong tương lai.

 

Hệ thống giao thông công cộng còn bất cập

5 năm gần đây, mỗi năm, các phương tiện cá nhân tăng bình quân 10-12%. Trong khi đó, tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng, năng lực giao thông công cộng còn hạn chế nên áp lực giao thông trên các trục đường, tuyến đường chính, đặc biệt khu vực TP. Nha Trang đang và sẽ tiếp tục có khả năng xảy ra ùn tắc giao thông, lưu thông tốc độ chậm, nhất là vào khung giờ cao điểm. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh luôn hướng tới mục tiêu phát triển giao thông xanh và bền vững, quan tâm, phát triển các loại hình vận tải công cộng, đặc biệt là vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Xe buýt nội thị TP. Nha Trang.

Xe buýt nội thị TP. Nha Trang.

 

Ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ giúp giảm tải phương tiện cơ giới cá nhân, giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông… Tuy nhiên hiện nay, mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh còn bất cập, cần phải có chiến lược lâu dài để phát triển loại hình này.

Được biết, hiện nay, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh gồm 16 tuyến xe buýt, được chia làm 2 hình thức: 8 tuyến có trợ giá và 8 tuyến không trợ giá, kết nối liên huyện. Hiện trạng mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh đang dần hình thành nên một mạng lưới nan quạt với các tuyến xuyên tâm và hướng tâm. Trên địa bàn chưa có các tuyến vành đai ở khu vực Nha Trang; đồng thời bị trùng tuyến giữa các tuyến hướng tâm và xuyên tâm trong phạm vi TP. Nha Trang do các tuyến đều kết nối trực tiếp vào khu vực trung tâm thành phố. Trong khi đó, huyện Khánh Sơn vẫn chưa có xe buýt công cộng kết nối. Ngoài ra, việc kết nối mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn thiếu và yếu…

 

Hướng tới mạng lưới mở rộng

Để phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt hiện đại, thông minh, bao phủ rộng khắp, đề án đã xây dựng 2 phương án ở 2 giai đoạn khác nhau. Cụ thể, mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 sẽ bao gồm 22 tuyến xe buýt, trong đó có 8 tuyến trợ giá, 8 tuyến xe buýt liên huyện không trợ giá, 1 tuyến trợ giá mở mới, 1 tuyến xe buýt du lịch và 4 tuyến xe buýt liên tỉnh. Giai đoạn 2025 – 2030, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ bao gồm 29 tuyến, trong đó có 2 tuyến xe buýt nhanh kết nối trung tâm TP. Nha Trang – sân bay Cam Ranh và trục hành lang đông tây TP. Nha Trang giữa ga đường sắt tốc độ cao – ga hành khách Nha Trang trong tương lai – trung tâm thành phố; 14 tuyến xe buýt trợ giá; 8 tuyến xe buýt xã hội hóa.

Các điểm đầu – cuối sẽ được bố trí tại những nơi có nhu cầu giao thông lớn, sử dụng vận tải công cộng bằng xe buýt cao; thuận tiện về kết nối giao thông đi – đến; có thể tích hợp vào các khu vực bến xe, bãi đỗ xe; một số trường hợp đặc biệt có thể bố trí hạ tầng tích hợp giữa các phương thức khác nhau, như: Đường bộ – đường thủy hay đường bộ – đường sắt. Đối với điểm dừng, nhà chờ: Khu vực đô thị, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, vị trí giữa các điểm dừng nên trong phạm vi không quá 700m; khu vực ngoài đô thị phạm vi này không nên quá 1.500m. Nhu cầu cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để đậu – đỗ phương tiện trong công tác vận hành và đỗ qua đêm tới năm 2030 khoảng 1,5ha. Diện tích trên không bao gồm diện tích khu vực văn phòng, khu vực phục vụ hành khách, bán vé…

Đề án cũng đề xuất các nhóm giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt: Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động (phát triển kết cấu hạ tầng, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng quy định về đấu thầu, cơ chế hỗ trợ); giải pháp mô hình quản lý, giám sát hoạt động xe buýt (thành lập trung tâm quản lý giao thông công cộng, xây dựng hệ thống quản lý xe buýt thông minh).

 

Khái toán đầu tư cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 hơn 403,8 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2025 hơn 89,6 tỷ đồng và giai đoạn đến năm 2030 hơn 314 tỷ đồng. Dự kiến, đến năm 2025, sẽ tập trung đầu tư các hạng mục để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm mở mới các tuyến xe buýt và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách.

MẠNH HÙNG

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »