Phía tiếng còi tàu
Không hiểu sao trong tất cả các loại phương tiện đi lại, tôi vẫn yêu tiếng xình xịch đường ray và những hồi còi tàu lửa như thúc giục, như vỗ về. Không biết đã bao nhiêu chuyến đi rồi, vậy mà mỗi khi nghe “kình kịch… kình kịch… tu u… tu u…” là tôi lại muốn xách giỏ lên đường. Có thể lên tàu chỉ để hưởng thụ không gian xê xích, để nhìn ngắm thỏa thích nước non cây cỏ dọc đường, chứ điểm đến đôi khi chưa mường tượng trong đầu…
Lòng cứ cảm khái quang cảnh hai bên đường khi tàu đi qua. Nhà cửa, thiên nhiên, sinh hoạt của con người không phô diễn bài bản kiểu mặt tiền đường trong thành phố mà hầu như không sắp đặt.
Vườn cây, vuông tôm to nhỏ vút qua, cô gái xa xăm chải tóc hiên sau, dây áo quần đong đưa trễ nải của cuộc sống yên bình. Cánh lúa mơn mởn dậy thì như tấm thảm nhung pha vài nét hoa văn của những vạt chín sớm hay vừa gặt xong. Núi xa xa, sông xanh xanh, mé biển lô xô đá dựng ngàn năm cùng sóng nước gió sương dãi dầu cọ áp… Chỉ có thế cũng đã mê mải tận cùng.
Cảnh vật những nơi tàu chạy qua đều có những dáng nét riêng nhưng tựu trung vẫn là một thiên nhiên nhiệt đới gió mùa lam lũ mà giàu nhựa sống hơn bất cứ nơi nào chốn thị thành. Gân guốc nhất là phong cảnh qua đèo Hải Vân, đèo Cả, đường tàu uốn lượn, biển núi trùng trùng, mây gió đan cài; thỉnh thoảng vẫn thấy có người vác củi, con trẻ đi học, người gác ray cho những chuyến tàu ngược xuôi.
Có khi cứ muốn tàu đi mãi không về. Đôi khi lại muốn được tàu nhẹ nhàng thả xuống một vạt hoa ven đường. Hoa dại, dường như đó chính là thông điệp sâu lắng của tuyến đường sắt gửi đến hành khách trên tàu.
Có những đêm nằm nghe tiếng còi tàu mà dạ cồn cào khó tả. Thôi đành mơ vọng tiếng xình xịch đường ray và những hồi còi tha thiết. Tôi chỉ là kẻ mơ hoang cho cân bằng những điều thẳm sâu mà không đủ gan bắt tay thực hiện. Để rồi mỗi khi được bước lên tàu, lại lẩm nhẩm câu thơ trong trí nhớ: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt – nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”…
ĐÀO ĐỨC TUẤN
Nguồn: Báo Khánh Hòa