Review Nha Trang

“Phố cổ” Phương Sài – nơi xa xưa trên bến dưới thuyền

Năm 2024, thành phố Nha Trang long trọng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển. Năm 1924, nhận thấy vị trí quan trọng của Nha Trang, vua Khải Định ban dụ và được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y, thị trấn Nha Trang được thành lập. Nghị định ngày 7-5-1937 của Toàn quyền Đông Dương đã nâng cấp Nha Trang lên thành thị xã. Lúc mới thành lập thị xã, Nha Trang gồm 5 phường: Phường Đệ Nhất (tức làng Xương Huân cũ), phường Đệ Nhị (làng Phương Câu cũ), phường Đệ Tam (làng Vạn Thạnh cũ), phường Đệ Tứ (làng Phương Sài cũ) và phường Đệ Ngũ (làng Phước Hải cũ).

Làng Phương Sài có tên gốc là Phường Củi – phường những người sống bằng nghề chặt củi bán. Từ năm Minh Mạng thứ năm, năm 1824, Phường Củi được cải danh thành Phương Sài (có nghĩa là củi thơm). Tuy thế, bên cạnh cái tên Phương Sài còn đến ngày nay (phường Phương Sài, đường Phương Sài), địa danh Phường Củi vẫn được dân gian sử dụng, chẳng hạn chợ Phường Củi, tức chợ Phương Sơn ngày nay.

Đường Phương Sài nếu tính từ đường Trần Quý Cáp, đi một đoạn ngắn rẽ phải là đường Bến Cá, đường qua Xóm Hộ; còn nếu đi thẳng qua khỏi chợ Phường Củi là gặp đường Thủy Xưởng. Tất cả những cái tên ấy đều là những địa danh quen thuộc của một Nha Trang xưa và nay, sống mãi trong ký ức của rất nhiều thế hệ. Những nguồn tài liệu hiện có đều khẳng định nơi đây, cách đây vài thế kỷ, là nơi trên bến dưới thuyền, liên quan đến dòng chảy của sông Cái Nha Trang.

Đường Phương Sài xưa - Ảnh: Internet
Đường Phương Sài xưa – Ảnh: Internet

Sông Cái khi chảy xuống đến làng Ngọc Hội (nay thuộc phường Ngọc Hiệp) thì chia làm 2 chi: Một chi chảy vào Phương Sài, gọi là sông Ngư Trường (tên nôm na là sông Trường Cá), rồi chảy xuống Hà Ra. Nhưng trước khi xuống Hà Ra, đến Xương Huân, nước sông xoáy thành một đầm rộng lớn chừng bảy mẫu, tên chữ là Cù Đàm, tên thường gọi là đầm Xương Huân. Nước sông Cái một nửa chảy vào đầm, một nửa chảy xuống Xóm Cồn để ra cửa Đại Cù Huân. Chi thứ hai rộng và sâu hơn, chảy xuống Xóm Bóng thuộc thôn Cù Lao, rồi cũng chảy ra cửa Lớn Nha Trang (Đại Cù Huân) như chi kia. Hai chi giáp nhau trước khi ra cửa biển, ôm trọn một cồn đất phù sa gọi là Gò Dê (sau đổi thành Cồn Dê, cồn Ngọc Thảo).

Theo sách Xứ Trầm Hương của Quách Tấn thì bến Trường Cá ở Phường Củi xưa kia ăn sâu vào tận chân núi Trại Thủy, có chùa Hải Đức và núi Gành trên có chùa Kim Sơn. Ngày xưa, nơi đây, nước sông lênh láng như biển, mùa nắng cũng như mùa mưa, không lúc nào, không khúc nào có thể lội qua được. Tại bến Trường Cá, năm 1774, sau khi chiếm được Diên Khánh, nhà Tây Sơn cho lập xưởng đóng thuyền lớn tại đây, gọi là Thủy binh công xưởng, đồng thời cho đóng binh trên núi để trấn giữ mặt biển. Đến năm 1793, Nguyễn Ánh chiếm lại được dinh Bình Khang (tức tỉnh Khánh Hòa), đã cho đặt trại thủy quân tại hòn Trại Thủy. Địa danh Hòn Xưởng, rồi đường Thủy Xưởng và xóm dân cư Xóm Xưởng vẫn còn cho đến ngày nay chính là xuất phát từ hiện thực lịch sử đó.

Từ bến Trường Cá thuyền ghe tấp nập, chiến thuyền nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn có thể lên thành Diên Khánh và xuống Nha Trang dễ dàng. Nơi đây cũng từng xảy ra nhiều trận thủy chiến ác liệt giữa hai nhà “đồng tánh bất đồng tông” (từ dùng trong sách Xứ Trầm Hương của Quách Tấn). Vì thế, toàn bộ khu vực Phương Sài – Bến Cá – Thủy Xưởng xa xưa là nơi trên bến dưới thuyền, sông nước mênh mông, thuyền bè san sát. Qua thời gian, tất cả bây giờ đều là khu dân cư sầm uất, nhà cửa san sát, chỉ còn tìm thấy chút dấu vết xưa qua dòng chảy của sông Kim Bồng – một nhánh của sông Cái – len lỏi trong mấy khóm dừa nước và khu dân cư đông đúc.

Trên đường Phương Sài hiện nay vẫn còn đình Phương Sài và miếu Văn chỉ Vĩnh Xương. Đình Phương Sài hàng năm xuân thu nhị kỳ đều có tổ chức lễ hội cúng đình, trong đó thu tế là lễ chính. Lễ rước sắc được tổ chức long trọng, rước từ miếu An Lạc trên đường Phường Củi (nay là đường Phan Đình Giót) ra đường Trần Quý Cáp, vào đường Phương Sài rồi về đình Phương Sài. Sau đó lại rước sắc về lại miếu An Lạc để cất. Đình Phương Sài hiện nay còn giữ được 12 (có tài liệu nói là 15) sắc phong vua ban, từ triều vua Tự Đức đến triều vua Khải Định.

Đình Phương Sài trên đường Phương Sài.
Đình Phương Sài trên đường Phương Sài.

Có thể gọi Phương Sài là một trong những phố cổ của Nha Trang. Ta có thể nhận ra hình thái phố cổ qua những công trình nhà ở mặt phố san sát nhau, diện tích không lớn lắm. Cũng có thể nhận ra, đây là những con đường làng ôm sát dòng sông, bến sông xưa, bởi độ nhỏ của lòng đường và sự uốn lượn của những cung đường tạo ra những góc cua cong cong rất gợi cảm.

Sống trên mảnh đất cổ kính và thiêng liêng, có bề dày lịch sử tính bằng hàng thế kỷ, ta có thể hình dung rất rõ về sự thay đổi của thiên nhiên, tạo vật qua thời gian, có thể nghiệm sinh về sức sống trường cửu của văn hóa dân tộc qua lễ hội hàng năm, qua phẩm chất cần cù, hồn hậu của người dân nơi đây. Mỗi lần hình dung về cảnh trên bến dưới thuyền sầm uất của một vùng châu thổ sông Cái Nha Trang, lòng hậu bối không khỏi bồi hồi và tự hào. Những vấn đề phát sinh từ cuộc sống hiện đại, như người tăng nhưng đất không nở, như sự phát triển của nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ khiến không khỏi ảnh hưởng đến hệ sinh thái, vệ sinh môi trường… Song, vấn đề cốt lõi của sự phát triển vẫn tùy thuộc vào ý thức con người. Muốn phát huy ý thức chung tay gìn giữ truyền thống, thiết nghĩ không gì quan trọng bằng nhắc nhở, gợi mở về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất quê hương giàu và đẹp về giá trị, bản sắc và truyền thống.

CHẾ DIỄM TRÂM

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »