Rùa biển quay trở lại vịnh Nha Trang
Ngày 4-10, camera hành trình của chuyên viên Phòng Bảo tồn thuộc Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang quay được video rùa biển đã xuất hiện ở vùng biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang). Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy môi trường biển ở vịnh Nha Trang đang tốt lên.
Môi trường đang tốt lên
Theo ông Đàm Hải Vân – Phó Trưởng BQL vịnh Nha Trang, trong vòng đời phát triển, rùa biển trải qua nhiều môi trường sống khác nhau, bắt đầu từ những bãi cát ven biển, lớn lên ở vùng rạn san hô, cỏ biển ven bờ rồi trôi dạt theo dòng hải lưu ngoài đại dương. Đến mùa sinh sản, chúng trở lại vùng rạn san hô, cỏ biển để kết đôi và trở về đúng nơi chúng đã sinh ra để làm tổ, đẻ trứng. Một con rùa biển mất 30 – 50 năm để tới giai đoạn trưởng thành, nhưng cứ 1.000 cá thể con mới có một con sống sót tới giai đoạn trưởng thành. Quá trình di cư kéo dài hàng tháng do rùa biển vừa di cư vừa kiếm ăn vào ban ngày, còn ban đêm sẽ vào các rạn san hô và rạn đá để nghỉ ngơi. Xác suất để rùa biển xuất hiện ở các vùng biển thường rất hiếm, đòi hỏi chất lượng nước vùng biển đó phải sạch và có nguồn thức ăn. Việc rùa biển xuất hiện ở vùng biển Hòn Mun ngày 4-10 cho thấy môi trường sinh thái biển vịnh Nha Trang tốt lên và các loài rùa biển có dấu hiệu quay về nơi sinh ra để đẻ trứng.
Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, vịnh Nha Trang có các hệ sinh thái rất đa dạng, tạo nên môi trường sống, sinh sản và phát triển ổn định cho một số loài rùa biển. Vì vậy, hàng chục năm trước đây, rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng tại các bãi biển ven bờ và các đảo như: Hòn Tre, Hòn Mun…, đặc biệt tại khu vực Đầm Tre (phường Vĩnh Nguyên), nơi hàng năm vào tháng 4 đến tháng 9 rùa biển lại về đây đẻ trứng. Tuy nhiên, số lượng rùa biển trưởng thành, có khả năng sinh sản sau đó đã suy giảm nhiều do sự săn bắt của con người; việc san lấp các công trình ven biển, trên các đảo để xây dựng các khu du lịch gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn, thu hẹp bãi đẻ tự nhiên… làm cho rùa biển ít quay lại sinh sản.
Hiện nay, ở vịnh Nha Trang chỉ còn duy nhất bãi rùa đẻ tự nhiên tại khu vực Bãi Bàng thuộc đảo Hòn Tre. Năm 2009, tại Đầm Tre đã phát hiện một cá thể rùa mẹ lên bờ đẻ 3 ổ trứng, các ổ trứng được ngành chức năng bảo vệ đến khi cá thể rùa con trở về với biển. Tháng 8-2015, qua công tác khảo sát đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang, các ngành chức năng đã phát hiện một cá thể rùa biển trưởng thành tại Hòn Tre; tháng 6-2016, phát hiện 1 ổ trứng tại bãi Đầm Tre; đa số người dân được khảo sát nhìn thấy rùa biển xuất hiện trong Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy việc khoanh vùng bảo vệ bãi rùa đẻ hết sức cần thiết.
Xây dựng phương án bảo tồn rùa biển
Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 của UBND tỉnh được ban hành tháng 11-2022 có nhiệm vụ “Hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận”. Đến nay, BQL vịnh Nha Trang (đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ) đã đề xuất đưa khu vực Đầm Tre – Hòn Tre vào phương án điều chỉnh Quy hoạch chung của TP. Nha Trang, làm cơ sở thành lập bãi rùa đẻ thuộc Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. BQL vịnh đã phối hợp với Tổ chức Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện chương trình giám sát rác thải nhựa bãi biển và dưới đáy biển, bảo tồn rùa biển dựa vào cộng đồng năm 2023 tại Nha Trang. Năm 2023, đơn vị đã cùng chuyên gia của IUCN tổ chức khảo sát bãi rùa đẻ Bãi Bàng Lớn – Đầm Tre; tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn rùa biển và khảo sát thực tế kết hợp dọn vệ sinh Bãi Bàng Lớn – Đầm Tre với sự tham gia của doanh nghiệp quản lý Bãi Bàng và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Khánh Hòa; phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh tổ chức tuyên truyền về bảo tồn rùa biển và giảm thiểu rác thải nhựa; xây dựng tài liệu về bảo tồn rùa biển và giảm rác thải nhựa để cung cấp cho các trường tiểu học, THCS phục vụ công tác giảng dạy ngoại khóa cho học sinh trên địa bàn thành phố. Hiện nay, BQL vịnh tiếp tục phối hợp với IUCN xây dựng phương án bảo tồn rùa biển trên vịnh, bảo vệ bãi rùa đẻ Bãi Bàng Lớn, nơi rùa đã từng lên đẻ trứng.
Theo ông Đàm Hải Vân, để đảm bảo công tác bảo vệ các loài sinh vật biển nói chung, bảo tồn rùa biển nói riêng, BQL vịnh kiến nghị các cấp thẩm quyền rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp. Đồng thời, xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; hỗ trợ công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp; thiết lập mạng lưới và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về bảo tồn các loài rùa… Nếu thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn các loài rùa biển tại vịnh Nha Trang, tạo môi trường, sinh cảnh để rùa biển đến các bãi cát tại Bãi Bàng Lớn – Đầm Tre sinh sản như trước đây sẽ làm phong phú về đa dạng sinh học, tạo ra sản phẩm du lịch có giá trị cao ở vịnh Nha Trang.
THÁI THỊNH
Nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử