Đẩy mạnh phong trào ở các địa phương ven biển
Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, Công an tỉnh Khánh Hòa chủ động đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), qua đó xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Với vai trò nòng cốt của lực lượng công an, phong trào có những bước phát triển liên tục và vững chắc, đặc biệt ở các địa phương ven biển.
Tăng cường tuyên truyền, vận động
Nhiều năm qua, Ban Giám đốc Công an tỉnh chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, đặc biệt ở các địa phương ven biển. Với đặc điểm địa lý có 5 huyện, thị xã, thành phố (chưa tính huyện Trường Sa), 44 xã, phường, thị trấn ven biển, chiếm khoảng 45% dân số toàn tỉnh, công tác tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia phong trào ở các địa bàn này luôn được coi trọng. Hàng năm, trung bình, lực lượng công an đã phối hợp với MTTQ và đoàn thể các cấp tổ chức khoảng 400 buổi tuyên truyền, vận động cho hơn 45.000 lượt người. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề: Quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phổ biến các nội dung, nhiệm vụ của công tác xây dựng phong trào; tình hình, đặc điểm, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Hình thức tuyên truyền rất đa dạng: Nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền miệng, phát trên đài truyền thanh, bằng tờ rơi, áp phích, bảng cảnh báo, diễn tập phòng thủ… Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, các cán bộ xây dựng phong trào đã đơn giản hóa các tài liệu tuyên truyền, tăng hình ảnh, trực quan sinh động… Qua đó, đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao ý thức tự giác, đồng lòng hưởng ứng của cán bộ, nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, vận động nhân dân tham gia quản lý, xây dựng biển đảo quê hương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân trao bằng khen cho các tập thể tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2021 và triển khai công tác năm 2022.
Với các xã, phường ven biển, công tác tuyên truyền còn chú trọng vào các chủ đề phòng, chống “diễn biến hòa bình”, phản bác lại các luận điệu tuyên truyền sai trái của các thế lực thù địch; tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vùng biển đảo. Công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cũng tập trung những nét đặc thù của cư dân vùng biển, đảo, như: Phòng, chống tội phạm cướp, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản là hải sản đánh bắt, nuôi trồng của người dân. Chỉ vài năm trước, nạn cướp hay cưỡng đoạt, trộm cắp hải sản tại các bến cá, bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân còn diễn biến phức tạp thì nay đã giảm hẳn. Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng năm 2022, phạm pháp hình sự của 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển là 342 vụ, giảm không nhiều so với những năm trước dịch Covid-19, tuy nhiên án đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng giảm đáng kể (khoảng 10%); đặc biệt giảm nhiều ở các vụ trộm cắp tài sản (khoảng 12%).
Xây dựng nhiều mô hình, tổ chức tự quản
Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở các địa phương ven biển của tỉnh còn có những nét nổi bật, thể hiện qua công tác xây dựng được nhiều mô hình, tổ chức tự quản về an ninh trật tự (ANTT). Công tác tuyên truyền, vận động đã tập hợp, huy động đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia phong trào, qua đó phát huy ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải của quần chúng ngay tại địa bàn cơ sở. Từ nền tảng đó, chính quần chúng nhân dân là những người sáng tạo trong tổ chức và hoạt động của nhiều mô hình, tổ chức tự quản về ANTT. Số mô hình, tổ chức tự quản về ANTT được xây dựng ngày một tăng, chất lượng được cải thiện đáng kể. Bước đầu xuất hiện những mô hình phù hợp với đặc thù vùng dân cư ven biển, như: “Tổ tự quản khu nuôi trồng thủy sản”, “Tuần tra nhân dân”, “Vọng gác an toàn”, “Camera an ninh”… Đặc biệt, “Tổ tự quản khu nuôi trồng thủy sản” được cả 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển áp dụng. Nhờ làm tốt công tác đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường, giúp người dân an tâm sản xuất nên cách làm này dễ dàng tập hợp được các hộ nuôi hải sản hưởng ứng, góp công, góp sức và cả tiền bạc để xây dựng mô hình. Đây chính là cách làm hay trong phong trào ở các địa phương ven biển của tỉnh.
Buổi tuyên truyền thực hiện tiêu chí 19.2 cho các xã của TP. Nha Trang.
Để xây dựng “thế trận lòng dân”, Công an tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở cả 3 cấp, thật sự vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu thực tế ở cơ sở. Trong thành phần của Ban Chỉ đạo, công an và MTTQ được xác định là lực lượng nòng cốt của phong trào. Công an tỉnh còn đẩy mạnh công tác phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên (Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân) ký kết nhiều kế hoạch, chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào. Nhờ làm tốt công tác phối hợp, công tác vận động quần chúng đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân, cá nhân, tổ chức, các cấp, ngành tham gia phong trào. Dấu ấn của sự phối hợp thể hiện rõ nét và liên tục: Từ sự phát triển nhanh của các mô hình tự quản ANTT, đến sự lớn mạnh, trưởng thành của các lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTQ ở cơ sở; từ mối quan hệ mật thiết, gắn bó của lực lượng công an với MTTQ và các đoàn thể, đến ý thức của toàn dân chung tay bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thực tế cho thấy, ở đâu có phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển mạnh, ở đó người dân gắn bó với công an, chính quyền, gắn bó với công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Chính trong phong trào, “thế trận lòng dân” được xây dựng, củng cố và tăng cường, qua đó xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Đại tá Nguyễn Thế Hùng
(Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa)