Kết quả thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Nha Trang năm 2022
Thực hiện Kế hoạch số 449/KH-BCĐLNVSATTP ngày 26/01/2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa về triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2022; UBND thành phố Nha Trang đã ban hành các loại văn bản chỉ đạo điều hành, các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường đã triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo nhiệm vụ được phân công như Công văn số 77/UBND-YT ngày 07/01/2022 về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022; Công văn số 82/UBND-KT ngày 07/01/2022 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022; Công văn số 866/UBND-YT ngày 15/2/2022 về việc Triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của ngành Y tế năm 2022 trên địa bàn thành phố Nha Trang; Công văn số 1965/UBND-YT ngày 01/4/2022 về việc Triển khai “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm” năm 2022; Công văn số 2044/UBND-YT ngày 05/4/2022 về việc tổ chức phát động triển khai “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm” năm 2022; công văn số 2452/UBND-YT ngày 20/4/2022 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát VSATTP trong dịp Lễ hội Tháp Bà Ponagar; Công văn số 2526/UBND-YT ngày 22/4/2022 về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra trong “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm” năm 2022 trên địa bàn thành phố Nha Trang; Công văn số 6001/UBND-YT ngày 24/8/2022 về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu năm 2022 trên địa bàn thành phố Nha Trang; Công văn số 6004/UBND-VHTT ngày 24/8/2022 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo phục vụ khách du lịch trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9; Công văn số 8697/UBND-YT ngày 25/11/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn thành phố; Công văn số 5015/UBND-KT ngày 21/7/2022 về việc kiểm tra việc thực hiện các nội dung phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của UBND xã, phường trên địa bàn thành phố Nha Trang năm 2022 …
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các Đoàn Kiểm tra liên ngành thành phố và xã, phường đã tiến hành kiểm tra tại 1.562 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố, có 06 cơ sở vi phạm. Hành vi vi phạm: Hành vi vi phạm: kinh doanh dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng chất thải, rác thải đảm bảo vệ sinh; niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn khách hàng. Cơ quan có thẩm quyền thành phố đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 49.250.000 đồng. Thực hiện xét nghiệm nhanh dụng cụ (chén, tô, muỗng,…) 673 mẫu, có 43 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 6,4%.
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố đạt được kết quả như trên trước hết là sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của thành phố và UBND các xã, phường; đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương và đã hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm từ thành phố đến các xã, phường; thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm các cấp, các Ban Chỉ đạo đều được tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật và được hướng dẫn triển khai các hoạt động liên quan. Ban Chỉ đạo của thành phố đã tổ chức kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với Ban Chỉ đạo xã, phường. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính được triển khai thực hiện theo quy định. Công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức đả,m bảo an toàn thực phẩm đối với người dân trên địa bàn thành phố. Thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực tham gia hoạt động truyền thông trong các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu… và đã xây dựng một số xã, phường thực hiện mô hình điểm thức ăn đường phố đạt hiệu quả.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố cũng tồn tại một số khó khăn, đó là: Việc giám sát chất lượng an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn do tuyến thành phố và tuyến xã, phường không có cơ quan chuyên ngành, việc quản lý an toàn thực phẩm của cấp thành phố thuộc lĩnh vực y tế giao cho Phòng Y tế kiêm nhiệm, lĩnh vực Công thương và Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn giao cho Phòng Kinh tế kiêm nhiệm; của cấp xã, phường giao cho công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm. Nhân lực phụ trách an toàn thực phẩm của các đơn vị tuyến thành phố và tuyến xã, phường đang thiếu cán bộ; ngoài nhiệm vụ kiêm nhiệm quản lý an toàn thực phẩm phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, địa phương. Kinh phí, phương tiện, trang thiết bị chuyên môn nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm ở cấp thành phố và xã, phường chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, nhất là việc phục vụ cho công tác điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm sẽ khó thực hiện nếu không có sự hỗ trợ, phối hợp, chỉ đạo từ tuyến tỉnh. Tuyến xã, phường không có cán bộ chuyên trách về công tác an toàn thực phẩm, chủ yếu phân công công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm nên việc tổ chức giám sát, quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố không có địa chỉ cố định và dịch vụ ăn uống, kinh doanh tại các chợ theo phân hạng thuộc nhóm 1, 2, 3 (đa phần là các quầy nhỏ lẻ, không có giấy đăng ký kinh doanh)./.