Tỷ phú nuôi cá biển
“Anh Trọng từ làm “than thổ phỉ” trở thành trùm nuôi cá, doanh thu 25 – 30 tỷ đồng/năm; nhà 2 chiếc xe ôtô, bất động sản trị giá mấy chục tỷ đồng. Sản lượng cá đạt hơn 200 tấn/năm, đứng đầu TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Anh luôn mở lòng để tiếp thu cái mới trong sản xuất, hay giúp đỡ mọi người xung quanh” – kỹ sư Nguyễn Văn Vinh, chuyên sản xuất cá giống nuôi biển và tư vấn giải pháp nuôi trồng thủy sản (TP. Nha Trang) nói về ông Nguyễn Đức Trọng (sinh năm 1970) đang nuôi bè cá ở TP. Cam Ranh.
Lãi lớn từ nuôi cá
“Thấy giá cá bớp tăng cao, tôi đi xem và đặt cọc mua chiếc ôtô bảy chỗ trị giá 1,5 tỷ đồng, về nhà mới nói cho vợ biết. Bà vợ nhảy dựng lên: “Nhà mình lấy tiền ở đâu ra mà mua?”. Tôi đưa giấy đặt cọc 100 triệu đồng cho bà xem và trấn an: Chỉ cần bán hai lồng cá là đủ mua chiếc xe 1,5 tỷ. Đời anh đã trải qua nhiều khổ cực rồi…” – ngư dân Nguyễn Đức Trọng kể chuyện mua xe dễ như xúc vợt cá. Sự mạnh tay của ông Trọng bắt nguồn đợt trúng cá sau cơn bão . Khi ấy, cơn bão số 12 (năm 2017) đã càn quét tan hoang các vùng nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa. Nhưng may mắn, bè nuôi cá của gia đình ông vẫn còn nguyên 30.000 con cá bớp. Trên thị trường hết cá, giá tăng lên 250.000 đồng/kg, ông trúng hơn 15 tỷ đồng, tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trồng, mua thêm miếng đất biệt thự ở khu đô thị.
Ông Nguyễn Đức Trọng.
Đứng nhìn 170 ô bè nuôi cá của ông Trọng to gần bằng sân bóng đá, tôi mới hình dung câu chuyện của ông vừa kể, là kết tinh của lao động cần cù và có gan làm giàu. “Tiền mua thức ăn cho cá, trả lương công nhân… mỗi tháng tôi phải chi gần 2 tỷ đồng. Tôi vừa bán xong mấy chục tấn cá chim, đang thúc mấy chục tấn cá bè lớn nhanh để kịp bán Tết năm nay. Mình đi lên từ nghèo khó, phải biết cách vận dụng cho đồng tiền xoay vòng. Tôi thả nuôi cá giống theo kiểu gối đầu để quý nào cũng có cá bán, thậm chí bán theo tháng, vừa quay vòng đồng vốn nhanh, vừa cắt lãi sớm, giảm áp lực tiền nợ mua thức ăn hàng tháng”- ông Trọng giải thích.
“Vì sao ông không nuôi chuyên một loại cá, mà nuôi đủ các loại, như: Cá chim, bè, bớp, mú… để phải theo từng chế độ ăn, chăm sóc quá cực?”, tôi hỏi thẳng vào vấn đề cốt lõi của ngư dân. Ông Trọng cười lập luận: “Mật độ nuôi trồng thủy sản ở vịnh Cam Ranh quá dày, nguồn nước biển liên tục thay đổi. Nếu chỉ nuôi một đối tượng, gặp con nước xấu có khi cá chết sạch. Nuôi nhiều loại cá, nếu gặp nước xấu, có thể chỉ một loại chết, nhưng những loại khác không bị ảnh hưởng. Làm theo kiểu này, người nuôi bảo tồn được nguồn vốn sản xuất, chăm sóc tốt sẽ có lãi khá”. Theo kinh nghiệm của ông Trọng, nuôi cá sử dụng thức ăn công nghiệp 60%, cá tươi chiếm 40%; cân đối được đạm động vật và thực vật để con cá phát triển đồng đều cả chiều dài và chiều ngang.
Hàng năm sản lượng cá nuôi biển của ông Trọng đạt hơn 200 tấn.
Bí quyết của ông Trọng, khi một đối tượng nuôi đã đạt đỉnh lợi nhuận, ông không tham đeo bám mãi, sớm chuyển hướng sang đối tượng nuôi khác. “Năm 2018, tôi lãi cá bớp hơn 15 tỷ đồng. Năm 2019, tôi bị vố đau từ cá bớp, lập tức chuyển sang nuôi cá chim có lãi cao. Năm nay, tôi nuôi thêm cá bè, cá mú, chỉ nuôi một lồng nhỏ cá bớp, coi như dành tiền mừng đám cưới cho mấy đứa cháu làm trên bè” – ông Trọng nói.
Luôn lắng nghe để tiếp thu cái mới
Khi bán tôm hùm, bán cá có nhiều tiền, phần ông đầu tư mở rộng quy mô nuôi trồng, phần ông mua đất. Nếu thiếu tiền thì ông đi vay thêm ngân hàng vài trăm triệu đồng hoặc tiền tỷ. “Tôi phải để gia đình thường xuyên “ôm nợ” để cục nợ ngày nào cũng nhắc nhở: “Này Trọng, lo làm việc tận tụy kiếm tiền trả nợ”. Vợ con thấy gia đình luôn có nợ cũng không dám tiêu xài phung phí, chăm chỉ học tập. Một đứa con đã học xong dược sĩ, còn cậu con trai đang học Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh vừa đi học, vừa mở lớp dạy thêm đủ tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt. Năm ngoái cháu đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, ngư dân Trọng chia sẻ.
Ngược dòng thời gian, năm 1988, ông Trọng thi trượt đại học, bỏ đi làm “than thổ phỉ” một thời gian vì nhà bố mẹ ở tỉnh Quảng Ninh. Năm 1990, ông quyết định nhảy xe đò vào TP. Nha Trang tìm kiếm cơ hội đổi đời. Không có việc làm, ông tìm đến tá túc ở nhà người quen tại xã Phước Đồng. Sau mấy năm bươn chải, ông gặp rồi nên duyên với cô con gái chủ xe đò khách chạy tuyến Khải Lương – Vạn Giã rồi nên duyên vợ chồng. Ông Trọng tâm sự: “Năm 1998, bố vợ đi vay được ít vốn, thả nuôi 200 con tôm hùm giống, gần 2 năm chăm sóc, bán được 63 triệu đồng, tương đương 13 cây vàng, mang vào Nha Trang mua miếng đất. Thiếu tiền mua tôm giống nhà tôi lại đi vay tiền ngân hàng. Hai năm sau, bán một phần đất để tăng thêm vốn nuôi tôm hùm, cuối vụ thu hoạch lãi 450 triệu đồng ”.
Có chút thành tích trong nuôi tôm hùm, mấy bạn hữu xin hùn vốn nuôi tôm với ông Trọng. Mỗi người góp vài chục triệu đồng, người 100 triệu đồng. Nếu ai góp 100 triệu đồng hết vụ tôm được trả tiền lãi 40 triệu đồng, nếu không nuôi tiếp thì trả lại tiền vốn 100 triệu đồng. Nhờ biết “thu hút đầu tư”, ông Trọng đã huy động được gần 1 tỷ đồng. Ông bung ra làm lớn ở cửa ngõ vịnh Vân Phong, sau 5 năm, ông Trọng trả lại hết toàn bộ vốn cho đối tác. Đến khi ông Trọng kéo bè vào nuôi ở vịnh Cam Ranh, một số bạn hữu đã có số vốn khá, đóng bè làm riêng, số lượng hơn 100 lồng.
Thành công từ nuôi cá là nhờ ông Trọng luôn lắng nghe để tiếp thu phương pháp mới mang tính khoa học. Vài tháng trước, ông mua 10.000 con cá mú giống, áp dụng phương pháp trộn nước tỏi (đã qua công thức lên men vi sinh) vào thức ăn cho cá ăn. Kết quả, cá mú nuôi đạt tỷ lệ sống hơn 95%. Thừa thắng xông lên, ông Trọng nuôi thêm 20.000 con. Từ kinh nghiệm và kiến thức của mình, ông Trọng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho nhiều người dân.
Hải Luận