Review Nha Trang

Họp Ban Pháp chế thẩm tra các báo cáo trình kỳ họp thứ 05 Hội đồng nhân dân thành phố Nha Trang

 Họp Ban Pháp chế thẩm tra các báo cáo trình kỳ họp thứ 05 Hội đồng nhân dân thành phố Nha Trang

 Chiều ngày 07/12/2022, ông Lê Thanh Sơn – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy, kiêm Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố chủ trì cuộc họp thẩm tra các báo cáo ngành nội chính trình kỳ họp thứ 05 của Hội đồng nhân dân thành phố. Tham dự cuộc họp có Thường trực HĐND thành phố và các cơ quan nội chính của thành phố.

 Quang cảnh cuộc họp

         Cuộc họp đã xem xét báo cáo của các ngành nội chính gồm: Báo cáo về công tác tiếp công dân; tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo về tình hình phòng, chống tội phạm và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân thành phố về công tác xét xử giải quyết án năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Nha Trang về công tác thi hành án dân sự năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

          Về công tác tiếp công dân, tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Thực hiện Luật Tiếp công dân, trong năm 2022, Ban tiếp công dân thành phố thực hiện tiếp công dân thường xuyên 365 lượt với 408 người đến trình bày gửi đơn trực tiếp; Chủ tịch UBND thành phố đã thực hiện 24 kỳ tiếp công dân, trong đó có 06 lượt công dân đăng ký tiếp với 21 người; Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường tiếp thường xuyên 94 lượt với 94 người, tiếp định kỳ và đột xuất 12 lượt với 12 người. Nội dung tiếp Công dân chủ yếu đề nghị xem xét giải quyết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do bị ảnh hưởng giải tỏa tại các dự án, xây dựng công trình trái phép; tranh chấp đất đai……

          Tiếp nhận 2.087 đơn (70 khiếu nại, 47 tố cáo, 1.947 kiến nghị, phản ánh, 23 tranh chấp), trong đó có 1.009 đơn đủ điều kiện xử lý và 1.078 đơn không đủ điều kiện xử lý. Đơn kỳ trước chuyển sang: 129 đơn. Đã giải quyết 985/1.138 đơn (43 khiếu nại, 24 tố cáo, 913 kiến nghị, phản ánh, 05 tranh chấp), đạt tỷ lệ 86,55%; đang xử lý, giải quyết 153 đơn (26 khiếu nại, 02 tố cáo, 125 kiến nghị, phản ánh). Nội dung đơn khiếu nại, tố cáo phần lớn tập trung trong lĩnh vực đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ và giao đất tái định cư.

          Về công tác phòng, chống tội phạm và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố: Trong năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 223 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 119 vụ so với cùng kỳ). Đã điều tra khám phá 188 vụ với 392 đối tượng, đạt 84,3%. Trong đó, tội phạm trộm cắp tài sản là 88/223 vụ – chiếm 39,46%. Về tội phạm ma túy: đã phát hiện bắt giữ 96 vụ với 150 đối tượng (tăng 23 vụ, giảm 17 đối tượng so cùng kỳ). đã điều tra, đề nghị truy tố 100 vụ, 148 bị can. Tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về ma túy xảy ra tại các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự.

           Công an thành phố đã tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường, tham nhũng, công nghệ cao. Tiếp nhận 360 đơn có dấu hiệu sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiệt hại 28.373.038.690 đồng (tăng 225 đơn, tăng hơn 27 tỷ đồng số tiền thiệt hại so với cùng kỳ năm 2021).

          Về công tác kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố: Trong năm 2022, Số vụ án hình sự đã được đưa ra xét xử là 581 vụ /1018 bị cáo. Trong đó, án trọng điểm 20 vụ, phiên tòa rút kinh nghiệm 18 vụ. Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung chứng cứ và Viện kiểm sát chấp nhận 06 vụ/ 08 bị can, lý do: giám định lại tỷ lệ thương tật, giám định tâm thần, xem xét trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm do bị cáo, bị hại đều thay đổi lời khai tại phiên toà.

          Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 711 tố giác và tin báo về tội phạm; Cơ quan điều tra đã giải quyết 466 tin; đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 608 vụ/ 1071 bị can; Cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết 406 vụ/ 702 bị can; đã kiểm sát việc tạm giữ về hình sự 212 người, kiểm sát việc tạm giam 253 bị can; Thực hiện kiểm sát thường xuyên đối với công tác thi hành án dân sự. Đã kiểm sát 2941 việc phải thi hành án dân sự, kiểm sát 2790 quyết định về thi hành án (đạt tỷ lệ 100%); ban hành 01 yêu cầu thi hành án, 02 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm đối với Cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Nha Trang.

          Về công tác xét xử của Tòa án nhân dân thành phố: Tổng số các loại án đã thụ lý là 3659 vụ, việc tăng 918 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2021 (2741 vụ việc ) tăng 75%. Đã giải quyết 3493 vụ, việc tăng 1686 vụ việc  so với cùng kỳ năm 2021, tăng 52%. Tổng số án bị hủy: 05 vụ (02 Hình sự, 02 Dân sự, 01 Kinh doanh thương mại). Chiếm tỷ lệ 0.07%. Nguyên nhân do các đương sự cung cấp thêm tình tiết mới tại cấp phúc thẩm, các đương sự không xuất trình chứng cứ tại cấp sơ thẩm; đánh giá chứng cứ chưa đúng.

          Về công tác thi hành án dân sự: Tổng số việc/tiền phải thi hành: 4.745 việc/ 1.200.009.664.000 đồng. Số việc/tiền có điều kiện thi hành: 3.649 việc/ 927.080.247.000 đồng. Đã thi hành xong: 2.859 việc/ 559.184.275.000 đồng. Đình chỉ: 104 việc/32.682.584.000 đồng. Số việc/tiền đang thi hành: 681 việc/ 326.612.764.000 đồng. Số việc/tiền hoãn thi hành: 05 việc/8.399.600.000 đồng, trong đó: Hoãn trong các trường hợp khác: 05 việc/8.399.600.000 đồng. Số việc/tiền chưa có điều kiện thi hành: 1.096 việc/ 272.929.417.000 đồng. Số việc/tiền còn phải thi hành: 1.782 việc/ 607.941.781.000 đồng

          Nguyên nhân số lượng án tồn đọng hiện nay chủ yếu là do người phải thi hành án đang chấp hành án ở trại giam chưa nộp tiền, hoặc đã ra trại rồi nhưng đi đâu không rõ, đương sự là người mà Bản án của tòa tuyên địa chỉ lang thang nên không thể thi hành được; án theo đơn mà người phải thi hành án không có tài sản hoặc giá trị tài sản nhỏ so với giá trị phải thi hành nên khó có thể thi hành được; ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân chưa cao, nên chưa tự nguyện thi hành án đối với nghĩa vụ của mình trong bản án do Tòa án tuyên đã có hiệu lực pháp luật

         Tại buổi thẩm tra, các đại biểu ghi nhận các kết quả đã đạt được của các cơ quan nội chính; đồng thời kiến nghị một số nội dung nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong năm 2023: Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, rà soát các vụ việc phức tạp, kéo dài để tập trung giải quyết; tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban nhân dân các xã, phường và các cơ quan chuyên môn có liên quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Đề nghị lãnh đạo Công an thành phố tiếp tục tăng cường công tác rà soát nắm tình hình, quản lý chặt chẽ đối tượng nhất là những khu vực phức tạp, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn cũng như phương thức, thủ đoạn liên quan đến tội phạm công nghệ cao, hoạt động tín dụng đen, cá độ đá bóng để giúp người dân đề cao cảnh giác khi tham gia các trang mạng xã hội. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố tăng cường giải quyết các loại án do số lượng án ngày càng tăng; phối hợp với các ngành chức năng chọn án điểm đưa ra xét xử sớm góp phần thiết thực vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Đề nghị Chi cục Thi hành án thành phố tăng cường các biện pháp tích cực, hữu hiệu để nâng cao kết quả thi hành án.

         Qua thẩm tra, Ban Pháp chế ghi nhận các ý kiến của các thành viên dự họp và sẽ hoàn thành báo cáo thẩm tra trình kỳ họp thứ 05 Hội Đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

 

Thành Chương

Review liên quan

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »